Đà Nẵng với chính sách chạm đến người dân - Bài 1: Giúp người khó có mái ấm đẹp như mơ
Trong những căn nhà ở xã hội khang trang, người nghèo, người khuyết tật cảm ơn chính quyền TP Đà Nẵng đã có những hỗ trợ nhân văn, giúp họ có được mái ấm cả đời họ mơ tưởng.
LTS: Đà Nẵng từ lâu đã khẳng định vị thế là một thành phố tiên phong với những chủ trương đầy nhân văn, mang đậm dấu ấn riêng như mô hình “5 không”, “3 có”, “4 an”... Những chính sách này không chỉ định hình thương hiệu "thành phố đáng sống", mà còn khơi dậy sự đồng thuận sâu sắc trong nhân dân suốt gần ba thập kỷ qua kể từ ngày tái lập tỉnh năm 1997.
Pháp Luật TP.HCM gửi đến bạn đọc những câu chuyện về hành trình hiện thực hóa chính sách an sinh, nơi chính quyền và người dân cùng nhau vun đắp nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, đầy tình người.
Tại căn hộ nhỏ xinh rộng 50m² ở khu chung cư A2 Nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), bà Lê Thị Diệu Anh (37 tuổi) miệt mài bên bàn máy may, tỉ mỉ sửa từng chiếc áo cho khách. Hơn một năm nay, tổ ấm mới này là niềm tự hào, chốn trở về ấm áp của cả gia đình chị – một giấc mơ tưởng như quá xa tầm với.
Giấc mơ trong căn hộ 50m²
Vất vả cùng chồng nuôi hai con ăn học, bà Anh không ngờ có ngày gia đình mình được ở trong căn hộ khang trang hai phòng ngủ, niềm mong ước cả đời của đôi vợ chồng nhiều khốn khó.

Gia đình bà Lê Thị Diệu Anh đã có căn nhà mơ ước. Ảnh: TẤN VIỆT
Sinh ra trong gia đình nghèo, lại không may mắc chứng bại liệt chân phải từ lúc còn chưa tròn một tuổi, bà Anh đã quen với chiếc nạng như một phần thân thể. Gánh nặng cơm áo, hai con nhỏ, cuộc sống bấp bênh trong những căn trọ chật hẹp… Tất cả tưởng chừng không bao giờ cho phép bà mơ đến một mái nhà đàng hoàng.
Nhiều năm lăn lộn ở nhà thuê, vào tận Long An quê chồng tá túc, nhưng cảnh nghèo cứ mãi đeo bám khiến ước mơ đó ngày càng xa vời.
“Căn hộ rộng gấp nhiều lần phòng trọ, mà tiền thuê chỉ 502.000 đồng/tháng – tính cả chi phí vệ sinh, thang máy, bảo vệ… được giảm 60% so với quy định. Tôi đã khóc vì xúc động. Đây là phép màu với gia đình tôi”, bà Anh xúc động kể.
Năm 2022, giữa đại dịch COVID-19, Đà Nẵng tiếp tục có chủ trương cho thuê nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Hộ nghèo như bà Anh được hướng dẫn làm thủ tục, rồi hồ sơ được nhận, phê duyệt.
Và tháng 1-2024, giấc mơ về một mái nhà đàng hoàng đã trở thành hiện thực khi tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, bà Anh khóc nghẹn khi nhận quyết định thuê nhà ở xã hội trước bao lời động viên, chúc mừng của mọi người.
Tại quận Sơn Trà, cứ vào cuối chiều, ông Trần Văn Khẩn (52 tuổi) lại về với căn hộ chung cư C2 Nại Hiên Đông với đôi tay xách đầy thịt cá, rau củ, chuẩn bị cho bữa cơm tối cùng vợ và ba người con.

Ông Khẩn từng ngày chăm chút cho tổ ấm của mình. Ảnh: TẤN VIỆT
Sau hơn chục năm ở nhà thuê, gia đình ông Khẩn đã được đón hai cái Tết ấm cúng bên trong căn hộ 60 m2 với hai phòng ngủ thoáng đãng. Nhà ông Khẩn cũng thuộc hộ nghèo, bảy tháng tuổi ông đã sốt bại liệt chân trái. Nhờ nghề thợ may, vợ chồng ông Khẩn cơm cháo qua ngày nuôi các con ăn học.
“Không có chính sách nhân văn của TP, gia đình tôi không biết khi nào mới được dọn vào ở một căn hộ đẹp đến vậy với giá thuê chỉ hơn 300.000 đồng/tháng. Chủ trương của TP khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng và biết ơn”, ông Khẩn bộc bạch.
Từng bước hoàn thiện mục tiêu có nhà ở cho toàn dân
Báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, từ năm 2005, bên cạnh chủ trương xây dựng TP “5 không”, chủ trương “3 có” cũng được đề ra với mục tiêu: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
Với mục tiêu “có nhà ở”, Đà Nẵng đã triển khai năm đề án phát triển nhà ở xã hội. Tính đến hết năm 2024, TP đã đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thành 15.549 căn hộ chung cư nhà ở xã hội và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên, chiếm hơn 80% quỹ nhà ở xã hội toàn quốc.

Đà Nẵng khánh thành chung cư nhà ở xã hội dành riêng cho người có công cách mạng. Ảnh: TẤN VIỆT
Chỉ riêng giai đoạn 2020 – 2024, toàn TP đã hoàn thành tám khối chung cư nhà ở xã hội tại ba dự án với 1.774 căn. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng năm dự án với 2.750 căn, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một dự án với 608 căn từ nguồn vốn ngân sách TP.
Đà Nẵng cũng đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư ba dự án với 3.519 căn từ nguồn vốn ngoài ngân sách; bổ sung kế hoạch tiếp tục kêu gọi đầu tư 2 - 3 dự án mới trong giai đoạn 2024 - 2025.
Chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, vượt 64% chỉ tiêu đề án một triệu căn hộ mà Trung ương giao cho TP (12.800 căn).
Không chỉ đi đầu về phát triển nhà ở xã hội, Đà Nẵng còn tiên phong tạo nên những khu chung cư dành riêng cho từng nhóm người. Đơn cử như chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu) dành cho các bà mẹ đơn thân, thường được gọi là “chung cư không chồng”; hay chung cư dành cho cán bộ công chức...
Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ gắn biển công trình Chung cư xã hội dành riêng cho người có công cách mạng trên đường Vũ Mộng Nguyên, quận Ngũ Hành Sơn.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 223 tỉ đồng từ ngân sách TP, cao 12 tầng, gồm 209 căn hộ, diện tích từ 65 – 77 m2/căn. Các căn hộ có thiết kế và chất lượng đẹp đến mức lãnh đạo Đà Nẵng phải thốt lên “không thua gì căn hộ hạng sang” khi tham quan dự án.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 từ trái sang) tham quan căn hộ trong dự án chung cư nhà ở xã hội dành riêng cho người có công cách mạng. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi, chung cư xã hội cho người có công cách mạng không chỉ là một công trình xây dựng, mà còn là biểu tượng cho lòng tri ân và trách nhiệm của TP đối với những người đã cống hiến cho đất nước, cho TP.
Bà Thi cho hay đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng của TP, nằm trong chương trình thực hiện Đề án “Xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025”.
Công trình tạo điều kiện cho người có công cách mạng nâng cao đời sống, bảo đảm mục tiêu “hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”. Đây không chỉ là nơi ở mà còn là nơi gắn kết tình cảm, tạo dựng những kỷ niệm đẹp cho các gia đình người có công.
Chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, vượt 64% chỉ tiêu đề án một triệu căn hộ mà Trung ương giao cho TP (12.800 căn).
Đà Nẵng sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục thực hiện các dự án an sinh xã hội, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những gia đình khó khăn, yếu thế, người có công cách mạng và toàn thể người dân TP.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng