Đà Nẵng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn mới
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thành phố Đà Nẵng xác định là nền tảng vững chắc cho sự phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Đà Nẵng hiện có khoảng 20 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học với khoảng 120.000 sinh viên. Thành phố này quy tụ hơn 1.000 chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đặt ra nhiều yêu cầu đối với các trường đại học
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng đây là một lợi thế để Đà Nẵng phát triển trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của cả nước.
“Đà Nẵng có lợi thế tiềm năng của thành phố đại học. Đây là một lợi thế lớn, đặc thù riêng có của Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Cần phải đánh giá đúng mức để đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới nhằm phát huy lợi thế quan trọng này”, ông Vũ nói.
Thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Đó là sự chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới, thành phố có chủ trương tăng sự chủ động của doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá hiệu quả đầu ra để việc đào tạo thực sự gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội. Mặt khác, thành phố xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt là về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.

Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ
Các cơ sở đào tạo đổi mới chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, tích hợp kỹ năng số, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Các trường Đại học tích hợp STEM từ phổ thông, đào tạo lập trình, tư duy số từ bậc trung học cơ sở. Đà Nẵng cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao mức vay cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo học các ngành nghề ưu tiên, công nghệ chiến lược.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Vinasa, chính quyền thành phố cần thiết lập cơ chế phối hợp cụ thể giữa cơ sở giáo dục và đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo, tuyển dụng và đào tạo lại.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới trong giáo dục hay đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, rất mong các thầy cô đổi mới nội dung đào tạo là quan trọng nhất. Chúng ta không phải dùng công nghệ mới để đi dạy kiến thức cũ. Từng môn học và cả chương trình đào tạo cần phải thiết kế lại. Chúng ta phải có năng lực để đào tạo những ngành nghề mới, những ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động”, ông Quang nhấn mạnh.
Chủ trương hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là dấu mốc lịch sử, mở ra cánh cửa cho giai đoạn phát triển đột phá mới với nguồn lực, dư địa được mở rộng. Tuy nhiên, thực tế này đòi hỏi thành phố cần có nhiều thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, vận hành bộ máy.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành phố cụ thể hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập của thành phố trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn, lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Thành phố cũng đang nghiên cứu chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc.
Lãnh đạo thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và tiếp thu ý kiến của đội ngũ trí thức tư vấn, phản biện, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội. Thành phố xem đây là kênh tham khảo quan trọng trước khi đề ra các cơ chế, chính sách và các quyết định lãnh đạo, điều hành.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố sẽ được tôn vinh kịp thời…
“Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo động lực phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nổi bật như: Các chương trình hợp tác chiến lược với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn; Các chinh sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đầu tư trọng điểm vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, các mô hình đào tạo kết hợp với thực tiễn doanh nghiệp, viện – trường; Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, ông Chinh cho biết.
Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững. Thành phố Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, hấp dẫn các nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn mới.