Đà Nẵng: Xúc tiến thương mại cho kinh tế tập thể
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại thành phố Đà Nẵng.
Hiệu quả xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm
Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nổi bật như, cuối tháng 3/2025, Liên minh hợp tác xã thành phố Đà Nẵng (cũ) đã tổ chức “Phiên chợ sản phẩm Hợp tác xã lần thứ 1 - Đà Nẵng 2025” với sự tham gia của 19 liên minh HTX đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Phiên chợ quy tụ hơn 20 gian hàng với hơn 500 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, làng nghề.
Cuối tháng 4/2025, thành phố Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Quảng Nam (cũ) phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2025 với hơn 100 gian hàng giới thiệu và bán những mặt hàng nông sản chất lượng được chứng nhận OCOP của hai địa phương.

Các hội chợ xúc tiến thương mại, chương trình kết nối giao thương giúp các hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Ảnh: Vũ Lê
Mới đây nhất hồi tháng 6/2025, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng (cũ) đã tổ chức Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2025 – Tôn vinh sản phẩm OCOP với quy mô hơn 250 gian hàng, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông đặc sản vùng miền trên cả nước.
Thông qua các chương trình hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, các hợp tác xã không chỉ quảng bá sản phẩm của kinh tế tập thể, mà còn góp phần tăng thêm độ nhận diện thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (huyện Hòa Vang) cho biết, đơn vị được các Sở, ngành của thành phố hỗ trợ chứng nhận VietGAP, xây dựng trang web, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 2015, mã QR để nhận biết nguồn gốc sản phẩm…
“Chính từ những lần tham gia hội chợ, chương trình quảng bá, thương hiệu rau an toàn của Hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Cũng từ sự kết nối của Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã,… HTX rau Túy Loan đã kết nối tiêu thụ rau ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố như Lotte, Co.opmart, Siêu thị Dệt may Hòa Thọ, bệnh viện, trường học và hơn 12 cửa hàng”, ông Tân thông tin.

Nhiều hợp tác xã tìm kiếm được đối tác, khách hàng từ các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do ngành Công Thương tổ chức. Ảnh: Vũ Lê
Theo bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37, từ nhiều hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối giao thương, đơn vị đã hoàn thiện sản phẩm từ đánh giá, góp ý của người tiêu dùng; tìm được nhiều khách hàng, đối tác mới. “Nhiều hợp đồng được ký kết, đầu ra ổn định nên quy mô hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37 cũng tăng, thu nhập của thành viên cũng được nâng cao”, bà Oanh chia sẻ.
Hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng thị trường qua kênh thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang ngày một phổ biến và trở thành kênh thương mại quan trọng. Chủ động thích ứng, nhiều hợp tác xã đã chủ động quảng bá, bán sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội, xây dựng website, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Việc đưa sản phẩm HTX lên các sàn thương mại điện tử chuyển biến tích cực với khoảng 40% HTX đăng ký gian hàng trên sàn Shopee, Danangtrade…
Bên cạnh sự chủ động của các hợp tác xã, các Sở, ngành cũng liên tục tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo hỗ trợ các hợp tác xã kinh doanh trên nền tảng số.

Tập huấn về thương mại điện tử cho các tiểu thương, các hợp tác xã Đà Nẵng hồi cuối tháng 6/2025. Ảnh: Vũ Lê
Tiểu biểu như chương trình tập huấn chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại do Sở Công Thương Đà Nẵng (cũ) tổ chức cuối tháng 6/2025 với sự tham dự của các diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI. Chương trình đã hỗ trợ các tiểu thương, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận các thông tin, kiến thức các kỹ năng sử dụng hiệu quả các giải pháp về chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, bao gồm các hoạt động: xúc tiến thương mại, thương mại điện tử (TMĐT) xuất nhập khẩu và logistics; qua đó áp dụng để từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Trước đó, hồi tháng 5/2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng (cũ) cũng tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho các thành viên hợp tác xã và đại diện hộ sản xuất kinh doanh khu vực dân tộc thiểu số và miền núi tại 02 xã Hòa Phú và Hòa Bắc, TP. Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tại đây, các học viên đã được hướng dẫn cách đăng ký tài khoản, xây dựng gian hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, tối ưu hóa hình ảnh sản phẩm và tiếp thị số… Đặc biệt, xu hướng mới trong thương mại điện tử, cách khai thác các sàn giao dịch phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki và ứng dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm cũng được giới thiệu rõ nét. Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào vấn đề thanh toán số và logistics.

Dự kiến tháng 8/2025, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tổ chức Tuần lễ Thương mại số và Kết nối vùng Đà Nẵng 2025, trong đó, có nhiều hoạt động hỗ trợ các tiểu thương, hợp tác xã xúc tiến thương mại qua nền tảng số. Ảnh: Vũ Lê
Tỉnh Quảng Nam (cũ) có hơn 650 hợp tác xã, thành phố Đà Nẵng (cũ) có hơn 100 hợp tác xã. Như vậy, sau hợp nhất, thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 750 hợp tác xã đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ và các lĩnh vực khác.
Các hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn, thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển và thay đổi diện mạo nông thôn.
Điểm chung của các đơn vị này phần lớn là quy mô nhỏ, mới chú trọng đến sản xuất mà chưa dành nhiều nguồn lực cho công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, trong những tháng cuối năm 2025, Sở sẽ tiếp tục triển khai Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2025. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm: Hội chợ EWEC Đà Nẵng 2025, Chương trình Mega Sale Year-End năm 2025, các hoạt động livestream quảng bá sản phẩm và các chương trình sự kiện kích cầu mua sắm... Xây dựng kênh TikTok quảng bá giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng, từ đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, kết nối giao thương, đào tạo kỹ năng số hiệu quả. Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng có hơn 750 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu vực kinh tế tập thể.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-xuc-tien-thuong-mai-cho-kinh-te-tap-the-410344.html