Đã nghẽn thì phải tháo

Hiểu một cách giản đơn thì 'nghẽn' là tắc đường, không đi lại được. Trong xây dựng, điểm nghẽn gắn với hình ảnh 'nút thắt cổ chai' khi một giai đoạn trong dự án xảy ra vấn đề gây ra sự đình trệ. Tình trạng này nảy sinh khi khối lượng công việc lớn hơn mức mà quá trình thi công thực tế có thể xử lý. Trong khi đó, trong quản lý, 'điểm nghẽn' được hiểu là một hoặc một số điểm gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay địa phương, làm suy yếu, hoặc ngưng trệ một phần, thậm chí hoàn toàn sự phát triển; là những 'nút thắt' cản trở sự vận hành bình thường của một nền kinh tế.

 Doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất sẽ góp phần thúc đẩy tăng cường kinh tế. Ảnh: Lê Thọ

Doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất sẽ góp phần thúc đẩy tăng cường kinh tế. Ảnh: Lê Thọ

Có thể tiếp cận điểm nghẽn theo nhiều cách khác nhau. Có điểm nghẽn về nguồn lực, về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Cũng có điểm nghẽn cản trở sự phát triển các ngành kinh tế. Có điểm nghẽn cản trở sự phát triển của mỗi thị trường và toàn thị trường và cũng có điểm nghẽn cản trở hoạt động và sự phát triển của các doanh nghiệp... Có điểm nghẽn trong ngắn hạn là dạng tắc nghẽn xuất hiện do các vấn đề tạm thời gây ra, có khả năng xử lý và sửa chữa ngay. Lại có điểm nghẽn trong dài hạn là dạng tắc nghẽn xuất hiện liên tục, gây cản trở tới hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn, khó khắc phục và cải thiện được ngay.

Dễ dàng nhận thấy, đã có những chuyển dịch tốt và những phát triển mang tính bền vững hơn trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay trong năm này, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có bước tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I. Đáng nói là, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,01% và tổng thu ngân sách nhà nước cũng tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bàn về phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế, vẫn có ý kiến đánh giá xác đáng khi cho rằng, đang tồn tại những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực về vốn đầu tư, nguồn nhân lực và văn hóa di sản không được khơi thông. Họ cũng ví von, những điểm nghẽn đó đã tạo thành các “vòng xoáy đi xuống”, kìm hãm và làm chậm tiến trình phát triển của Thừa Thiên Huế.

Được xác định là kinh tế mũi nhọn và mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng du lịch vẫn phát triển chưa xứng tầm. Ở đây, đã và đang xuất hiện nhiều điểm nghẽn. Có thể thấy, đó là hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ mua sắm phát triển chậm, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận các điểm đến của du khách. Khách du lịch khi đến Huế, chủ yếu tập trung ở vùng lõi trung tâm TP. Huế. Một trong những điểm nghẽn nóng, gây nhiều sự bức bối là nhân lực; là tình trạng khan hiếm lao động, năng lực phục vụ còn hạn chế dẫn đến chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng. Việc đào tạo lao động cũng gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, điều khiến không ít doanh nghiệp đau đầu là tình trạng giành giật nhau về nhân lực.

Đó chỉ là một ngành kinh tế. Đối chiếu với cách hiểu thông thường, điểm nghẽn hiện đang hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực và đời sống. Ví như, nhằm đạt mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông nhằm quy hoạch tốt không gian đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Thừa Thiên Huế.

Đã nghẽn thì phải tháo. Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai các dự án xây dựng hạ tầng, vừa qua tỉnh đã lập 4 tổ công tác do chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư ban hành kế hoạch triển khai đối với từng dự án, tăng cường phối hợp và có phương án hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải xem công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc nhận diện các điểm nghẽn để xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phá bỏ rào cản, cản trở do các điểm nghẽn gây ra, từ đó, khơi thông và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển là việc phải làm. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn mang tính bị động, Nhà nước ở tâm thế ứng phó trong giải quyết các bất cập, các rào cản trong thực tiễn. Vậy nên, quan trọng hơn là việc xác định các “điểm nghẽn” mang tính dài hạn. Ở đây thường gặp thách thức rất lớn, đòi hỏi khả năng dự báo, tầm nhìn chiến lược. Nên nhớ rằng, tăng trưởng bền vững của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào những giải pháp mang tính ngắn hạn mà còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố mang tính dài hạn này.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/da-nghen-thi-phai-thao-144990.html