Đa số bệnh nhân bị ung thư mắt đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn

Ung thư mắt ở trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi.

Tiến sỹ Phạm Minh Châu thăm khám cho bệnh nhi bị ung thư mắt đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tiến sỹ Phạm Minh Châu thăm khám cho bệnh nhi bị ung thư mắt đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đa số bệnh nhân bị ung thư vùng mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương thường ở giai đoạn muộn, 70% cần cắt bỏ nhãn cầu để bảo tồn tính mạng, tạo tâm lý hạn chế giao tiếp xã hội do tự ti về mặt thẩm mỹ với những trẻ em mắc nhóm bệnh này.

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết như vậy tại Buổi ra mắt Đơn vị U bướu thuộc khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương) diễn ra chiều 20/11 tại Hà Nội.

Phát hiện sớm các bệnh nhân ung bướu vùng mắt

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng cho biết ung thư mắt là chuyên ngành sâu của nhãn khoa liên quan đến chẩn đoán và điều trị tất cả các khối u tại bề mặt nhãn cầu, u nội nhãn hoặc các mô xung quanh nhãn cầu, bao gồm khối u của mi mắt, kết mạc, u nội nhãn (u võng mạc, u hắc mạc…), u thị thần kinh và u hốc mắt.

Những khối u này có thể lành tính hoặc ác tính, nếu không được điều trị và theo dõi có thể gây giảm, mất thị lực hoặc phải cắt bỏ nhãn cầu, thậm chí có khả năng đe dọa tính mạng. Các khối u ác tính ở mắt có thể nguyên phát tại mắt hoặc di căn đến mắt từ một cơ quan khác trong cơ thể.

Thống kê trong 6 năm từ 2018 đến 2022, hàng năm có khoảng hơn 1000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Bệnh viện Mắt Trung ương đang quản lý và theo dõi các bệnh nhân đã và đang điều trị nhằm phát hiện sớm và điều trị các khối u mới và khối u tái phát. Hiện tại bệnh viện có 300 bệnh nhân ung thư vùng mắt đang theo dõi ngoại trú, với số lượt khám 300 lượt khám/năm và 120 lượt điều trị/năm.

 Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ tại bệnh viện trong quá trình khám đã thực hiện tư vấn di truyền và theo dõi các gia đình có tiền sử ung thư vùng mắt.

Hiện trên toàn quốc chưa có trung tâm về các khối u mắt. Các bác sỹ làm trong lĩnh vực ung bướu mắt hiện nay đa phần là bác sỹ nhãn khoa, trong quá trình học tập và làm việc với bệnh nhân có chẩn đoán các bệnh lý khối u tại mắt, bệnh nhân được điều trị rải rác tại các Bệnh viện Mắt lớn trên toàn quốc. Chính vì vậy không có số liệu thống kê chính xác số lượng bệnh nhân bị khối u mắt trên toàn quốc.

Theo Phó Giáo sư Hưng, với những trường hợp trẻ mắc ung thư vùng mắt có thể cân nhắc điều trị bảo tồn nhãn cầu thì do khối u cũng ở kích thước to, trang thiết bị chưa đồng bộ gây thời gian điều trị kéo dài, làm giảm hiệu quả điều trị nên có đến 70% bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh thì thị lực kém <20/70 nên trở thành trẻ khiếm thị.

Chính vì vậy, ông Hưng cho rằng việc thành lập đơn vị Ung bướu mắt và U nguyên bào võng mạc là thật sự cần thiết giúp nâng cao và phát triển các phương pháp điều trị bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực tốt nhất. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường đào tạo, chỉ đạo tuyến giúp tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm phát hiện sớm và quản lí tốt các bệnh nhân ung bướu mắt nói chung và u nguyên bào nói riêng, giúp nhóm bệnh nhân này có một cuộc sống tốt hơn, có ích cho xã hội nhiều hơn.

Bệnh ung thư mắt có yếu tố di truyền

Tiến sỹ Phạm Minh Châu - Phó trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết ung thư mắt ở trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ. Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi. Ở giai đoạn sớm, bệnh không biểu hiện đặc thù, nhưng khi xuất hiện dấu hiệu lác mắt (lòng đen không ở giữa), hoặc đốm trắng ở lòng đen, còn gọi ánh đồng tử trắng (dân gian còn gọi là mắt mèo), nguy cơ khối u đã to.

 Bệnh viện Mắt Trung ương đưa vào hoạt động Đơn vị U bướu thuộc khoa Mắt trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Mắt Trung ương đưa vào hoạt động Đơn vị U bướu thuộc khoa Mắt trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thực tế điều trị, 70% trẻ không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu. Chỉ khoảng 30% trẻ được phát hiện sớm, giữ được mắt.

Theo Tiến sỹ Châu, bệnh ung thư mắt có yếu tố di truyền. Với những bệnh nhân bị ung thư mắt, có trẻ từ 1 tháng tuổi đã được phát hiện có khối u, điều trị ngay hoàn toàn giữ được thị lực cho trẻ. Điều trị ung thư mắt phối hợp đa mô thức, phối hợp với Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm cố gắng giữ lại nhãn cầu, thị lực cho bệnh nhi.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ sống của người bệnh mắc ung thư mắt hiện nay là 93%. Tuy nhiên, hiện nay đa số bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, 70% cần cắt bỏ nhãn cầu để bảo tồn tính mạng. Bên cạnh đó, với những trường hợp có thể cân nhắc điều trị bảo tồn nhãn cầu thì do khối u cũng ở kích thước to, trang thiết bị chưa đồng bộ gây thời gian điều trị kéo dài, làm giảm hiệu quả điều trị nên có đến 70% bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh thì thị lực kém.

Hiện nay, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, các phương pháp điều trị các bệnh lý khối u/ung thư vùng mắt được triển khai bằng kỹ thuật, phẫu thuật tại mắt hoặc các phần xung quanh hốc mắt như lấy hoặc cắt bỏ 1 phần hay toàn bộ u, cắt bỏ nhãn cầu, nạo vét tổ chức hốc mắt và áp/tiêm một số hóa chất vào khối u tại mắt theo phác đồ… Nếu với kết quả mô bệnh học khẳng định ác tính, người bệnh được chỉ định điều trị với hóa chất toàn thân, xạ trị, sử dụng thuốc đích- chế phẩm sinh học theo các phác đồ và được gửi sang các bệnh viện chuyên về ung bướu hoặc bệnh viện đa khoa có khoa ung bướu để kết hợp điều trị./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/da-so-benh-nhan-bi-ung-thu-mat-den-kham-va-dieu-tri-o-giai-doan-muon-post908816.vnp