Đạ Tông: Nỗ lực xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm xây dựng một nếp sống văn minh tiến bộ, thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) đã vào cuộc, nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong việc đẩy nhanh quá trình xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong đời sống bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Xã Đạ Tông là một trong những “rốn nghèo” của huyện Đam Rông, nơi có trên 90% đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống với khoảng 1.805 hộ, 9.239 nhân khẩu. Trong đó, đa số người dân là đồng bào dân tộc Cil và M’Nông, có tín ngưỡng theo đạo Thiên chúa, Tin lành và Cơ đốc phục lâm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Đạ Tông còn đến 15,01%; trình độ dân trí người dân không đồng đều, còn thấp lại tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Phương thức sinh hoạt, sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp.
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông chia sẻ: Chính sự tồn tại của các hủ tục trong nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, kể từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt nhằm bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp trong đời sống của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn.
Xác định rõ để thay đổi tập quán của người đồng bào thì vấn đề cốt lõi đó là làm sao để từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng của họ. Chính vì vậy, xã Đạ Tông đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục, tập quán lạc hậu, hướng bà con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Cụ thể, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể xã Đạ Tông đã thực hiện đã lồng ghép với các cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đơn cử, Trạm Y tế xã sẽ thông qua các đợt tiêm phòng, khám bệnh... tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết, con cái sinh ra mắc nhiều bệnh tật; Ban Tư pháp xã không thực hiện đăng ký kết hôn cho những trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn; Hội Phụ nữ tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân, gia đình; Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... đều nhắm vào đối tượng hội viên của mình để thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề...
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông Nguyễn Văn Huy, tâm lý của phần đông đồng bào DTTS là chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe. Do đó, với vai trò gương mẫu, trách nhiệm, mỗi cán bộ đảng viên là người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đạ Tông luôn hăng hái đi đầu trong việc thực hiện không thách cưới, không đòi sính lễ, tiệc lớn trong đám tang, thực hiện tốt phương châm “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”, không phá rừng làm rẫy; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi...
Bên cạnh đó, xã Đạ Tông cũng đã phát huy tối đa vai trò của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Chính họ là những cầu nối ngắn và hiệu quả nhất để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tự giác xóa bỏ các hủ tục.
Mặc khác, nhờ am hiểu văn hóa của bà con DTTS mà xã Đạ Tông đã biết tận dụng chính truyền thống đó để đẩy lùi hủ tục. Đó là tập trung phát huy đặc trưng của chế độ mẫu hệ, phát huy vai trò làm chủ gia đình của người phụ nữ vùng DTTS. Bởi đó là đối tượng lưu truyền các hủ tục trong gia đình và cộng đồng, tuy âm thầm nhưng vô cùng dai dẳng để từ đó có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ hơn.
Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, các phong tục, tập quán lạc hậu tại Đạ Tông đã gần như được xóa bỏ. Thay vào đó, các truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của người đồng bào DTTS tại địa phương tiếp tục được duy trì và phát huy, như cồng chiêng, các điệu xoang, những lời hát ru... Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, các nghề truyền thống của địa phương như đan lát, đan gùi tại Thôn Mê Ka, nghề làm cây nêu tại Thôn Liêng Trang 1, nghề rèn ở thôn Đạ Nhinh 1... đã được tiếp tục được lưu truyền và phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như lễ mừng lúa mới, cầu mưa, đặt tên con, mừng nhà mới... vẫn được địa phương tổ chức và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đây cũng là dịp để các dân tộc anh em tại Đạ Tông được diện những bộ trang phục truyền thống, khoe sắc lộng lẫy.