Đặc điểm biến chủng xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM

Theo Sở Y tế TPHCM, 83% mẫu giải trình tự gene của bệnh nhân Covid-19 hiện nay là NB.1.8.1 - biến chủng đang lưu hành tại nhiều nước trên thế giới.

Biến chủng NB.1.8.1, một biến thể phụ của virus SARS-CoV-2, chiếm 83% mẫu giải trình tự gene từ các bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5, theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Biến chủng này, được phát hiện vào đầu năm 2025, hiện đã xuất hiện tại 22 quốc gia, bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TPHCM, số ca Covid-19 tăng từ tuần 16 đến tuần 20 (14/4-18/5), với trung bình 11 ca mỗi tuần, so với 1-2 ca mỗi tuần trong 15 tuần đầu năm. Riêng tuần 20, thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Tính đến nay, TPHCM ghi nhận 79 ca Covid-19 trong năm 2025, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2024, với 43 ca nội trú và 36 ca ngoại trú, không có trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp.

Ngày 21/5, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các đơn vị y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, đảm bảo thu dung, điều trị hiệu quả, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca chuyển nặng, đồng thời ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp với OUCRU giám sát chặt chẽ biến động ca bệnh và biến chủng, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Sở Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang nhưng cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, tăng cường sức khỏe, đến cơ sở y tế khi có triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Người từ các quốc gia có số ca Covid-19 cao cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

Đặc điểm của biến thể NB.1.8.1

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa xếp NB.1.8.1 vào các nhóm biến chủng nguy cơ. Đây là là một biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2, thuộc dòng Omicron JN.1.

Về đặc tính, NB.1.8.1 có khả năng lây lan cao hơn so với một số biến chủng trước đây. Các dữ liệu ban đầu cho thấy biến chủng này có khả năng liên kết mạnh hơn với tế bào trên cơ thể con người, khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng.

NB.1.8.1 gây ra các biểu hiện tương tự như những biến chủng thuộc dòng Omicron trước đó. Người nhiễm thường cảm thấy đau họng, mệt mỏi, ho nhẹ, sốt, đau cơ và nghẹt mũi. Một số trường hợp có thể gặp tình trạng tăng thân nhiệt nhẹ kéo dài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể trải qua các triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, chán ăn và rối loạn tiêu hóa.

Mặc dù NB.1.8.1 cho thấy khả năng lây lan nhanh, các dữ liệu hiện tại chưa ghi nhận rằng biến chủng này gây ra các ca bệnh nặng hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành trên thế giới.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ngày 25/5 cảnh báo, thời gian tới là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, cần chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung cao điểm vào các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức đợt chiến dịch cao điểm tháng 6-7 năm 2025 triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt (đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...).

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dac-diem-bien-chung-xuat-hien-pho-bien-o-benh-nhan-covid-19-tai-tphcm-2404554.html