Đặc phái viênTổng thống Mỹ: Ukraine sẽ có 'bảo đảm an ninh vững chắc'
Kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đề xuất được cho là bao gồm lời đề nghị 'bảo đảm an ninh vững chắc' cho Ukraine nếu Kiev đồng ý từ bỏ tham vọng trở thành thành viên NATO.

Vụ nổ của một tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào Ukraine, ngày 24/4/2025. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, các đồng minh châu Âu và các quốc gia khác sẽ đóng vai trò là bên bảo lãnh an ninh cho Ukraine.
Các quan chức Ukraine và châu Âu đã phản đối một số đề xuất của Mỹ về cách chấm dứt chiến tranh tại Ukraine, đưa ra đề xuất về các vấn đề từ lãnh thổ đến lệnh trừng phạt, theo toàn văn các đề xuất mà Reuters độc quyền có được.
Các đề xuất từ cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ, Châu Âu và Ukraine tại Paris ngày 17/4 và tại London ngày 23/4 đã phơi bày chi tiết của hoạt động ngoại giao con thoi diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.
Những điểm khác biệt chính giữa hai văn bản này là trình tự giải quyết các vấn đề về lãnh thổ, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, đảm bảo an ninh và quy mô quân đội Ukraine.
Trong khi một số điểm khác biệt đã được các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán nêu bật, các tài liệu của Reuters đã nêu rõ những khác biệt một cách đầy đủ và chi tiết.
Văn bản đầu tiên phản ánh các đề xuất được truyền đạt bởi đặc phái viên của Donald Trump là Steve Witkoff tới các quan chức châu Âu tại Paris, sau đó được chuyển cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mô tả các đề xuất này là một “khuôn khổ rộng” để xác định sự khác biệt giữa các bên.
Văn bản thứ hai xuất hiện một tuần sau đó trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức Ukraine và châu Âu tại London và đã được chuyển cho phía Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các đề xuất được đưa ra từ cuộc đàm phán tại London hiện đã nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ.
Về lãnh thổ, các đề xuất của Witkoff kêu gọi Mỹ công nhận trên danh nghĩa quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, cùng sự công nhận trên thực tế quyền kiểm soát của Nga đối với các khu vực phía nam và phía đông Ukraine do lực lượng của Moscow kiểm soát.
Ngược lại, tài liệu của châu Âu và Ukraine hoãn thảo luận chi tiết về lãnh thổ cho đến khi lệnh ngừng bắn được ký kết, không đề cập đến việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine.
Về an ninh lâu dài của Ukraine, tài liệu nêu rõ Ukraine sẽ có “bảo đảm an ninh vững chắc” với các quốc gia châu Âu và các quốc gia thân thiện khác đóng vai trò là người bảo lãnh. Tài liệu không nêu thêm chi tiết về điều này nhưng nói rằng Kiev sẽ không tìm cách gia nhập NATO.
Theo văn bản, sẽ không có giới hạn nào đối với lực lượng Ukraine và không có hạn chế nào đối với các đồng minh của Ukraine khi triển khai lực lượng quân sự của họ trên lãnh thổ Ukraine, một điều khoản có thể khiến Moscow khó chịu.
Đề xuất này đưa ra những đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Kiev, bao gồm cả từ Mỹ thông qua một “thỏa thuận tương tự Điều 5”, ám chỉ đến điều khoản phòng thủ chung của NATO.
Về các biện pháp kinh tế, các đề xuất của Witkoff nêu các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Nga kể từ khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014 sẽ được gỡ bỏ như một phần của thỏa thuận đang được thảo luận.
Các đề xuất nêu rõ sẽ có “việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt sau khi đạt được nền hòa bình bền vững” và các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng trở lại nếu Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hòa bình.