Người chiến sĩ tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ðược trực tiếp tham gia góp sức trong chiến công có ý nghĩa vô cùng quan trọng ấy, với đồng chí Phan Quang Ngừng, cựu chiến binh Hải quân nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ở thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê (Khoái Châu) luôn là một niềm vinh dự, tự hào lớn lao, sâu sắc, không dễ nguôi quên.

Đồng chí Phan Quang Ngừng - người trực tiếp tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa

Đồng chí Phan Quang Ngừng - người trực tiếp tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa

Ðầu năm 1972, mặc dù trúng tuyển đại học nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Phan Quang Ngừng đã "xếp bút nghiên" cùng với các thanh niên địa phương lên đường ra mặt trận. Tân binh Phan Quang Ngừng được phiên chế vào Lữ đoàn Ðặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân). Ðây là lực lượng đặc công nước đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, đồng chí Ngừng được đơn vị lựa chọn vào lực lượng gồm 60 chiến sĩ tham gia huấn luyện chương trình đặc biệt để chọn thời cơ tổ chức đánh căn cứ quân sự hỗn hợp khổng lồ của Mỹ tại Ðà Nẵng, gồm: Căn cứ không quân quy mô lớn, cảng, kho bãi, hạ tầng thông tin liên lạc…

Ðể đánh chiếm được căn cứ quân sự này, trong hơn 3 năm huấn luyện chương trình đặc biệt tại Hải Phòng và một số vùng phụ cận, đồng chí Ngừng cùng đồng đội bơi từ đảo Cát Bà tới khu 2 Ðồ Sơn với chiều dài từ 25 đến 30 km; chọn một kho xăng lớn tại Hải Phòng làm thao trường huấn luyện phương án đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu (Ðà Nẵng); chọn cầu Phú Lương (Hải Dương) làm thao trường huấn luyện để đánh chiếm cầu cảng của Mỹ tại Ðà Nẵng…

Tháng 3/1975, đơn vị của đồng chí Phan Quang Ngừng gồm 60 chiến sĩ cùng 3 xe chở vũ khí, khí tài cơ động vào Ðà Nẵng. Khi vào tới nơi, thành phố Ðà Nẵng đã được giải phóng, đơn vị của đồng chí Ngừng được giao nhiệm vụ tiếp quản cảng Ðà Nẵng và Ðài viễn thông ra - đa hải quân của địch trên bán đảo Sơn Trà. Sau đó, được lệnh tổ chức thành các phân đội cùng biên đội tàu không số ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ðể không bị địch phát hiện, các con tàu đều được ngụy trang thành tàu đánh cá của nước ngoài. 4 giờ ngày 11/4/1975, biên đội tàu được giao nhiệm vụ bí mật: Hành quân làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Nhiệm vụ ấy do đồng chí Mai Năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ðặc công Hải quân 126 làm Chỉ huy trưởng trực tiếp ra đảo chỉ huy chiến đấu.

Theo đồng chí Phan Quang Ngừng: Song Tử Tây - hòn đảo ở phía Ðông Bắc quần đảo Trường Sa được chọn làm địa điểm giải phóng đầu tiên. 17 giờ ngày 13/4/1975, biên đội tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. Trung đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng vào gần đảo để trinh sát. Sau đó, biên đội di chuyển ra xa đảo, chuẩn bị thực hiện phương án chiến đấu. Ðồng chí Mai Năng quyết định chọn phân đội 1 đánh trận đầu tiên. Phân đội 1 gồm 3 tổ đổ bộ đánh chiếm đảo.

Cái khó là ở chỗ, dù là lính đặc công Hải quân nhưng chưa có tiền lệ đánh chiếm đảo. Ðặc công nước chủ yếu đánh cầu, đánh tàu, đánh kho tàng ở ven cảng, ven sông chứ chưa có kinh nghiệm đánh ngoài đảo xa. Nhưng với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, ngay trong trận đầu, đơn vị của tôi quyết đánh và đánh thắng. 19 giờ ngày 13/4/1975, tàu 673 chở phân đội 1 của tôi tiếp cận gần đảo. Ðịch trên đảo bắn pháo tín hiệu xua đuổi, tàu 673 lùi ra xa, thả trôi. Hai tàu 674 (chở phân đội 2) và 675 (chở phân đội 3) cơ động ra phía Bắc và phía Nam đảo, sẵn sàng chi viện.

Là một trong những người trực tiếp đổ bộ lên giải phóng đảo Song Tử Tây, 50 năm đã trôi qua, đồng chí Ngừng vẫn nhớ rõ như in về nhiệm vụ đặc biệt ấy: “1 giờ ngày 14/4/1975, tàu 673 tắt đèn tiến sát đảo. Chỉ huy tàu là người có kinh nghiệm đi biển, khôn khéo điều khiển tàu tìm vị trí có lợi nhất để đổ bộ”. Ði kèm phân đội 1 có 2 khẩu đội DKZ 75 và 1 khẩu cối 82 của Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5). Khi xuồng cách đảo 5 km, bộ đội cho vũ khí xuống xuồng cao su, sau đó nhảy xuống biển bơi vào đảo.

Ðêm tối, sóng nước cứ đẩy người dạt đi. Các chiến sĩ phải bơi 3 giờ đồng hồ mới vào đến các vị trí như kế hoạch. Ðến 4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, phân đội được lệnh bắn 3 phát súng B41 vào ăng-ten sở chỉ huy địch, phát lệnh tấn công. Ba tổ chiến đấu bất ngờ xông lên, đồng loạt tung thủ pháo và lựu đạn vào các mục tiêu của địch. 15 phút đầu tiên, trận chiến diễn ra rất ác liệt. Ðịch từ trong các vị trí công sự, trong nhà bắn ra chống trả quyết liệt. Sau 30 phút giằng co ác liệt, địch co cụm hết về phía Tây Nam đảo. 5 giờ 15 phút ngày 14/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng được kéo lên đỉnh cột cờ, thay cho lá cờ màu vàng 3 sọc của ngụy quyền Sài Gòn.

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ngoài 20 chiến sĩ được phân công ở lại làm nhiệm vụ canh giữ đảo, số còn lại của đơn vị được lệnh rút về Ðà Nẵng. Về tới Ðà Nẵng vài ngày, đơn vị của đồng chí Ngừng tiếp tục nhận lệnh quay lại Trường Sa để giải phóng các đảo còn lại. Phân đội của đồng chí Ngừng gồm 4 tàu được giao nhiệm vụ giải phóng đảo Sơn Ca. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, lần lượt các đảo khác như: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa… được giải phóng. 9 giờ ngày 29/4/1975, lực lượng hải quân của ta đã hoàn toàn làm chủ quần đảo Trường Sa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương tin tưởng giao phó.

50 mùa xuân đã đi qua nhưng ký ức hào hùng về mùa Xuân đại thắng năm 1975, mùa xuân được cùng tham gia các cánh quân thần tốc giải phóng một số điểm đảo thân yêu của Tổ quốc, góp phần thống nhất toàn vẹn non sông đất nước vẫn luôn là những ký ức không thể nào quên trong tâm trí cựu chiến binh hải quân Phan Quang Ngừng. Và trong cuộc sống hòa bình hôm nay, từ những ký ức thiêng liêng ấy, CCB hải quân Phan Quang Ngừng đã và đang nỗ lực phát huy tinh thần gương mẫu, tích cực đóng góp sức mình thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống nhằm không ngừng lan tỏa niềm tự hào và trách nhiệm cùng thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Bền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nguoi-chien-si-tham-gia-giai-phong-quan-dao-truong-sa-3180823.html