Đặc sắc làng Dao giữa lòng Tây Nguyên

Từ vùng đất cách mạng Cao Bằng, một nhóm đồng bào Dao Đỏ vượt gần 2.000km về Tây Nguyên chọn vùng đất lành Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông lập nghiệp. Họ lấy tên quê cũ đặt tên cho nơi định cư mới là Thái Học với ý nghĩa: dù ở vùng đất mới vẫn luôn nhớ về gốc tích, quê hương bản quán. Trải qua nhiều thăng trầm, dù cuộc sống có lúc khó khăn, cực nhọc, nhưng bà con đều bảo nhau giữ gìn bản sắc của dân tộc mình để luôn rực rỡ giữa núi rừng Tây Nguyên.

Hiện nay, tại thôn Thái Học, ngoài ông Khiêm còn nhiều người già khác vẫn biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Ảnh: Nguyễn Bích

Hiện nay, tại thôn Thái Học, ngoài ông Khiêm còn nhiều người già khác vẫn biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Ảnh: Nguyễn Bích

Giữa trưa hè rực nắng, Trưởng thôn Thái Học Hoàng Văn Dũng, năm nay 32 tuổi hồ hởi tiếp đón chúng tôi vào ngôi nhà gạch to đẹp, khang trang nằm ngay bên trục đường chính của thôn. Anh Dũng vốn quê ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được bố mẹ sinh ra ở Đắk Lắk khi ông bà vào đây lập nghiệp năm 1992. Đến năm 1993, gia đình anh Dũng chuyển về định cư ở xã Đắk Wil.

Anh Dũng cho biết, ở xã Đắk Wil có hai thôn đồng bào Dao là Thái Học và Đoàn Kết. Tất cả người dân ở hai thôn đều có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng di cư vào đây theo diện khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Từ 24 hộ người Dao đầu tiên vào đây lập nghiệp, đến nay, thôn Thái Học có 144 hộ dân với 712 nhân khẩu. Bà con sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê và điều. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đời sống của bà con hiện giờ ổn định, có thu nhập khấm khá. Toàn thôn chỉ còn 8 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, nguyên nhân chủ yếu do đông con, ít đất canh tác, kỹ thuật sản xuất chưa tốt.

Điều khiến anh Dũng tự hào nhất là bà con trong thôn rất đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ, hỗ trợ nhau tận tình trong cuộc sống. Đặc biệt, mọi người trong thôn, từ già tới trẻ đều luôn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Dao Đỏ. “Chúng tôi vẫn giữ gìn bàn thờ tổ tiên, nghề làm trang phục truyền thống, duy trì lễ cấp sắc, mang mặc quần áo dân tộc và những phong tục, tập quán khác” - anh Dũng chia sẻ. Giữ truyền thống văn hóa, gia đình anh Dũng khi đi vào vùng đất này đã mang theo cả bàn thờ tổ tiên của gia đình.

Trò chuyện với tôi, ông Hoàng Thồng Khiêm, thôn Thái Học vui vẻ cho biết: “Dù sinh sống cùng nhiều dân tộc khác, có sự giao lưu học hỏi, nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn duy trì nói tiếng Dao, mặc quần áo của người Dao, tổ chức các lễ hội, hoạt động tín ngưỡng theo truyền thống của người Dao”.

Ông Khiêm là thầy cúng nên biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Trong cộng đồng người Dao, thầy cúng là người có vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống tâm linh, có năng lực giao tiếp với thần linh và ông bà tổ tiên. Thầy cúng là người tham gia và trực tiếp điều hành những nghi lễ quan trọng của đồng bào Dao như lễ cấp sắc (một nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Dao, công nhận sự trưởng thành của người con trai), lễ cưới hay tang ma. Chính vì vậy, thầy cúng là người được cộng đồng rất kính trọng.

Với uy tín của mình, ông Khiêm đang góp sức bảo tồn và phát huy văn hóa của người Dao Đỏ ở Tây Nguyên. Lúc rảnh rỗi, ông vẫn hướng dẫn lớp trẻ học chữ viết của người Dao hoặc giải nghĩa cho bà con trong thôn hiểu về những điều được ghi chép trong các bộ sách cổ của người Dao.

Nhờ bảo quản cẩn thận, bộ tranh thờ của gia đình ông Khiêm vẫn còn nguyên vẹn, không bị tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bích

Nhờ bảo quản cẩn thận, bộ tranh thờ của gia đình ông Khiêm vẫn còn nguyên vẹn, không bị tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bích

Một trong những tài sản quý nhất của dòng họ mà ông Khiêm vẫn còn lưu giữ là bộ tranh thờ và 2 cuốn sách xem tướng số, ngày đẹp, ngày xấu của cha ông để lại. Tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận trong một thùng tôn nhỏ đặt phía trên bàn thờ tổ tiên. Thông thường, những di vật quý này chỉ được phép lấy ra khi gia đình tổ chức các nghi lễ truyền thống, hoặc dịp lễ hội, lễ cấp sắc...

Tuy nhiên, biết tôi trân trọng và mong muốn được xem những tài sản quý giá này, ông Khiêm vui vẻ bắc thang lấy xuống, giới thiệu từng bức tranh, trang sách cho tôi. Bộ sách mà ông Khiêm đang giữ viết hoàn toàn bằng chữ Dao, với nhiều hình vẽ minh họa có màu sắc sống động rất đẹp mắt.

Lật giở từng trang sách quý, ông Khiêm tự hào nói với tôi: “Quyển sách này do tôi viết và vẽ lại những điều đã được ông bà tổ tiên truyền dạy. Một quyển để xem ngày đẹp tháng lành, một quyển dùng để xem những ngày có hạn và những điều kiêng kỵ, những điều nên tránh”.

Gia sản của ông Khiêm còn có bộ tranh thờ gồm 16 bức tranh khác nhau. Ông Khiêm cho biết, bộ tranh thờ ông đang giữ là bản sao chép lại bộ tranh cổ có tuổi đời hơn 100 năm của dòng họ ông hiện đang được họ hàng lưu giữ ở Cao Bằng. Theo lời ông Khiêm, đối với người Dao, tranh thờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không phải ai cũng vẽ được mà chỉ có những thầy cúng, thầy tào mới biết kỹ thuật vẽ tranh thờ. Tranh thờ không chỉ có giá trị thẩm mỹ độc đáo, mà còn mang ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn. Tranh thờ phản chiếu nguồn cội, gốc tích của người Dao, răn dạy người Dao không làm việc xấu, hướng người Dao tới những việc làm thiện lành, có ý nghĩa cho cộng đồng.

Ngoài các nghi thức tín ngưỡng, chữ viết, người Dao ở thôn Thái Học vẫn duy trì việc mang mặc trang phục truyền thống. Có thể ví trang phục truyền thống của người Dao Đỏ là một bức tranh rực rỡ sắc màu, độc đáo thể hiện nét đẹp riêng có của dân tộc này. Trang phục truyền thống của người Dao được làm hoàn toàn thủ công, thể hiện rõ nét đôi bàn tay khéo léo, tính cách cần cù, chăm chỉ của phụ nữ Dao. Anh Dũng cho biết, hiện nay, mỗi hộ dân trong thôn có ít nhất 1-2 bộ trang phục truyền thống.

Bà Đặng Mùi Phẩy được coi là người có đôi bàn tay khéo léo nhất thôn Thái Học, hiện vẫn duy trì việc may trang phục truyền thống của người Dao cho hay: “Một bộ trang phục của phụ nữ Dao gồm rất nhiều phụ kiện khác nhau tạo thành gồm: Khăn quấn đầu, áo yếm, áo khoác ngoài, vòng bạc, vòng bông cổ áo, thắt lưng, dây xà tích, quần. Việc làm trang phục truyền thống đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, công phu nhất là kỹ thuật thêu trang trí họa tiết hoa văn trên vải. Chỉ riêng công đoạn thêu một bộ trang phục đã mất khoảng 1-2 tháng làm việc liên tục. Để hoàn chỉnh một bộ trang phục, chúng tôi cần làm trong khoảng 1 năm. Do mất nhiều công sức và được trang trí rất nhiều họa tiết bằng bạc nên một bộ trang phục truyền thống của chúng tôi có giá trị rất cao, khoảng 30-40 triệu đồng”. Để giữ nghề, bà Phẩy đã truyền dạy kỹ thuật thêu may cho con gái và một số phụ nữ khác trong thôn.

Dù có nhiều sự thay đổi theo dòng chảy của đời sống hiện đại và sự giao thoa văn hóa với những cộng đồng khác, nhưng người Dao Đỏ ở thôn Thái Học vẫn luôn đề cao bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình như lời khẳng định của ông Khiêm: “Bản sắc dân tộc của mình không thể bỏ được”.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dac-sac-lang-dao-giua-long-tay-nguyen-post480610.html