Đặc sắc Lễ cúng cầu mưa của người Ê Đê
Theo truyền thống, hàng năm vào mùa rẫy mới, thường là tháng 3 – tháng 4 dương lịch, sau khi đã dọn sạch rẫy, chỉ chờ mưa xuống là gieo hạt, người Ê Đê ở Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ cúng cầu mưa. Đây là phong tục gắn liền với lễ nghi nông nghiệp để cầu một mùa rẫy mới mưa thuận gió hòa, bắp lúa đầy chòi, dưa bí đầy sàn, mọi nhà no đủ.

Để chuẩn bị cho Lễ cầu mưa, từ sáng sớm, bà con trong buôn Ki, thành phố Buôn Ma Thuột đã tập trung đông đủ trước sân Nhà sinh hoạt cộng đồng. Mỗi người một việc, từ chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn, sắp xếp mâm cúng, lễ vật cúng được mọi người cùng nhau thực hiện.

Khu vực làm lễ cúng đã được chuẩn bị từ trước đó vài ngày. Buôn trưởng cùng các thanh niên trai tráng lựa chọn một khoảng đất rộng bằng phẳng, dọn dẹp sạch sẽ, rào quanh thành một khoảnh rẫy. Họ cùng nhau dựng 2 căn chòi: một căn để thờ thần trời và các thần linh, trong đó sắp xếp những vật quý như chiêng, trống, gươm giáo. Một căn là kho chứa lúa và các loại nông sản, dụng cụ làm nương rẫy như: Xà gạc, gùi đựng lúa giống, dụng cụ để chọc lỗ gieo lúa. Vào ngày diễn ra lễ cúng, con vật hiến sinh (thường là gà hoặc heo) sẽ được làm thịt, dùng để dâng lên các thần. Người ta lấy đầu gà cắm lên phía trên căn chòi trước khi làm lễ.

Theo quan niệm của người Ê Đê, mùa màng thất bát là do có thần Ác (Yang Liê) xui khiến muông thú vào phá rẫy. Vì thế, ở dưới chân cột chòi, bà con thường đặt một tượng thần Ác và 2 tượng người (nam - nữ) chiến đấu chống lại thần Ác. Họ cũng đặt một số tượng hình chuột, nhím, heo, tổ ong… xung quanh rẫy tượng trưng cho muông thú.

Sau khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, tiếng chiêng rộn ràng, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng...

Thầy cúng đọc bài cúng khấn gọi thần linh, ông bà tổ tiên về dự lễ và bảo vệ buôn làng, xua đuổi muông thú, thần Ác, buôn làng bình yên, người dân lên nương lên rẫy an toàn, không bị mưa giông, sét đánh.

Lễ cầu mưa tiếp tục với nghi thức trồng tỉa, gieo hạt. Người đàn ông đi trước chọc lỗ, những người phụ nữ theo sau tra hạt.

Ở một góc khác, các thanh niên sẽ đi quanh rẫy, dùng cung tên để săn bắn, xua đuổi các loài thú phá hoại mùa màng.

Nghi thức trồng tỉa kết thúc khi những cơn mưa “nhân tạo” rơi xuống tưới mát ruộng đồng, gửi theo hi vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi những giọt nước rơi xuống, mọi người cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và quyết tâm lao động, vui mừng vào mùa rẫy mới.

Sau khi kết thúc nghi thức cầu mưa, mọi người di chuyển vào bên trong nhà cộng đồng, cùng làm lễ cúng mừng sức khỏe cho già làng. Lúc này, thầy cúng đeo vòng đồng vào tay già làng, cầu chúc ông có thêm nhiều sức khỏe, tiếp tục là “trung tâm đoàn kết” của buôn làng.

Kết thúc phần lễ, mọi người cùng chung vui thưởng thức rượu cần, ăn bữa cơm cộng đồng và giao lưu văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng. Đây cũng là dịp để người Ê Đê nhắc nhở con cháu về một nghi lễ độc đáo, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/dac-sac-le-cung-cau-mua-cua-nguoi-e-de-post1193388.vov