Đặc sắc Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian mang đậm bản sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.

Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. (Ảnh: Alex Cao)

Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. (Ảnh: Alex Cao)

“Mùng bốn có hội đua ghe/ Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Đó là câu ca lưu truyền từ bao đời nay của cư dân huyện đảo Lý Sơn về Lễ hội đua thuyền tứ linh diễn ra từ ngày mùng bốn đến mùng bảy Tết Nguyên đán hằng năm.

Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1827 khi các tộc họ từ đất liền ra khai khẩn mở mang đất đảo. Gọi là đua thuyền tứ linh bởi lẽ các thuyền đua được trang trí hình dáng tượng trưng và mang tên con vật trong bộ tứ linh theo quan niệm trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đó là Long, Lân, Quy, Phụng.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tinh thần kết hợp nghi lễ với vui chơi dân gian có quy mô lớn nhất, thu hút người dân tham gia đông nhất trên huyện đảo Lý Sơn. Dù trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay.

Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn theo truyền thống gồm 2 cuộc đua, diễn ra tại hai làng An Hải và An Vĩnh. Mỗi hội thường có 8 thuyền đua. Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu, đình làng để thờ cúng. Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng. Trên đường đến trường đua, các thuyền phải quay đầu vào bờ để lạy thần linh, gọi là “xin phép”.

Trường đua thuyền trên đảo Lý Sơn là trên biển gần bờ, gần các lăng, miếu, đình làng. Một cuộc đua gồm 4 vòng đôi (tức 8 vòng chiếc), tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý. Thành viên của các đội đua thuyền là những trai tráng giỏi nghề biển. Mỗi đội đua có 21 - 24 người, tuổi từ 18 - 55, trong đó có một tổng lái, một tổng khoan (lo việc tát nước), một đập then và các tay đua. Mỗi thuyền đua đều có đồng phục riêng cho các tay đua.

Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, thông qua Lễ hội đua thuyền tứ linh, người dân trên đảo mong muốn được bình yên, nông nghiệp cũng như ngư nghiệp bội thu, đắc tài đại lợi. Lễ hội còn mang ý nghĩa tri ân công đức các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và những tiền nhân đã ra đi bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ là những Cai đội, Chánh suất đội, Thủy quân ở đảo Lý Sơn được sung vào đội hùng binh Hoàng Sa ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong cuốn sách “Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi”, tác giả Nguyễn Đăng Vũ (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, Lễ hội đua thuyền tứ linh trên đảo Lý Sơn là dịp ôn lại truyền thống, noi gương ý chí của ông cha trong buổi đầu sinh thành ra cộng đồng cư dân trên hòn đảo nhỏ bé này, với không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ; ôn lại truyền thống cha ông họ đã nương theo gió nồm ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tìm kiếm sản vật, dựng bia, cắm mốc chủ quyền...

Đình Phùng - Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dac-sac-le-hoi-dua-thuyen-tu-linh-o-dao-ly-son-post534910.html