Đặc sắc lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường bản Cả

Về bản Cả, xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) vào ngày rằm tháng Mười (âm lịch) năm 2023, nhân dân địa phương và du khách được đắm mình trong những nét văn hóa đặc sắc của lễ hội mừng cơm mới Kỳ Phúc của đồng bào dân tộc Mường nơi đây.

Lễ rước kiệu tại lễ hội mừng cơm mới bản Cả.

Lễ rước kiệu tại lễ hội mừng cơm mới bản Cả.

Lễ hội mừng cơm mới Kỳ Phúc của người Mường bản Cả, xã Kỳ Phú được tổ chức 3 năm 1 lần (vào năm nhuận 13 tháng theo âm lịch) vào ngày rằm tháng Mười (âm lịch). Lễ hội được tổ chức sau vụ Mùa nhằm tôn vinh cây lúa, cảm ơn đất trời, thánh thần và tổ tiên người Mường. Con cháu gặt lúa về làm mâm cơm mới, cùng với chút lễ vật mời thành hoàng, thần linh và tổ tiên về hưởng lộc, phù hộ cho làng bản năm mới mùa màng bội thu.

Mở đầu lễ hội này là nghi thức tâm linh như rước kiệu và nghi thức cúng cơm mới tại Đền thành hoàng của bản Cả. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu tổ tiên, thần thánh phù hộ cho mùa màng tiếp theo được mưa thuận gió hòa. Tham gia lễ cúng cơm mới có già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản.

Nghi lễ cúng cơm mới tại lễ hội.

Ông Đinh Ngọc Lưu, 66 tuổi, người uy tín bản Cả cho biết: Lễ hội mừng cơm mới có ý nghĩa kết thúc thu hoạch vụ Mùa, tạ ơn trời đất, tổ tiên, tạ ơn người khai phá lập làng. Lễ hội thể hiện những giá trị độc đáo của đồng bào Mường bản Cả, xã Kỳ Phú.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa của lễ hội, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những người uy tín trong bản cố gắng trao truyền cho con cháu giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình về các nội dung thực hiện lễ hội, như bài cúng, tiếng nói, điệu hát, thủ tục làm lễ, khôi phục trang phục người Mường khi tham gia lễ hội… Từ đó, phát huy bản sắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.

Lễ hội mừng cơm mới Kỳ Phúc được tổ chức nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng của văn hóa cội nguồn, hướng tới phục vụ du lịch tại địa phương. Đây cũng là dịp để con cháu đi làm ăn xa trở về sum họp hoặc quây quần bên gia đình, làng bản; tạo sự gắn kết cộng đồng trong bản. Do đó, người dân bản Cả luôn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục con cháu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Phụ nữ dân tộc Mường ở bản Cả sửa soạn trang phục truyền thống tham gia lễ hội.

Để chuẩn bị cho lễ hội, trước ngày diễn ra, đông đảo nhân dân trong bản đã cùng nhau chuẩn bị các phẩm vật từ cây lúa như cơm, xôi, bánh dày… để dâng lên trời đất, tổ tiên.

Nhanh tay giã bánh dày, chị Đinh Thị Tuyến, 42 tuổi, bản Cả cho biết: Từ nhỏ tôi đã được các bà, các mẹ dạy mặc áo dân tộc Mường, cách làm bánh dày vào những ngày lễ hội mừng cơm mới; được học và lưu giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào mình. Bánh dày phục vụ trong lễ hội được làm từ gạo nếp, đồ lên chín thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn, rồi tạo hình tròn, dẹt. Bánh dày được dâng lên cúng trời đất, tổ tiên.

Phụ nữ dân tộc Mường ở bản Cả làm bánh dày.

Ông Đinh Văn Hường, Trưởng bản Cả cho biết: Bản cả có 119 hộ, 395 nhân khẩu, với trên 98% là đồng bào dân tộc Mường. Người Mường ở bản Cả còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, như tiếng nói, trang phục, lễ hội mừng cơm mới…

Nhận thức sâu sắc quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội", trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bản Cả đã coi văn hóa Mường là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá của đồng bào Mường và được nhân dân trong bản nỗ lực giữ gìn, phát huy.

Trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể trong bản thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân giữ gìn nét đặc sắc văn hóa, tích cực tham gia lễ hội của bản; thường xuyên sử dụng và dạy tiếng Mường cho con, cháu trong gia đình, dòng họ; xây dựng CLB văn hóa văn nghệ tiếng Mường…

Đến nay, bản Cả đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường, góp phần phát triển toàn diện quê hương.

Hiện thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt trên 52 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 50%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 82%. Đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

Tiến Minh- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dac-sac-le-hoi-mung-com-moi-cua-dong-bao-dan-toc-muong-ban/d20231127134352159.htm