Đặc sắc lễ hội 'Tế khai sắc - Rước khai xuân' tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục
Sáng 23/2, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục đã diễn ra Lễ hội truyền thống 'Tế Khai sắc - Rước khai xuân' năm Giáp Thìn 2024, khai ấn Lý triều Đại Vương 'Trấn Tây Thượng Đẳng'.
Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội Tạ Nam Chiến cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử, đền Voi Phục với gần nghìn năm phụng thờ Đức Thánh - Hoàng tử Linh Lang - Người anh hùng có công cùng quân dân thời vua Lý đánh tan giặc Tống xâm lược thế kỷ thứ 11.
Hoàng tử văn võ song toàn xứng danh là anh hùng của những anh hùng. Thân thế, sự nghiệp và công trạng của Hoàng Tử vang vọng mãi trong lịch sử. Sinh thời giúp Lý, khi hóa hiển linh phù Trần - hộ Lê, nghìn thu "Hộ Quốc - An Dân"; được người đời suy tôn là bậc Thánh nhân: "Công ghi tại triều, danh lưu tại sử". Là con vua chiến công hiển hách, là thần "Uy trấn Nam Thiên". Ân đức của Đại Vương "Phối Đồng Thiên Địa - Vạn Cổ Lưu Truyền". Người anh hùng Hoàng tử Linh Lang đại diện tinh hoa, khí phách của dân tộc Đại Việt.
Bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục
Năm nay, với tâm thế mới, bên cạnh nghi thức rước chân nhang đức Thánh và Thánh Mẫu, trong lễ hội truyền thống "Tế khai sắc - Rước khai xuân" Giáp Thìn 2024 sẽ tiếp tục thực hiện nghi thức khai ấn. Nghi thức khai ấn nhằm tiếp tục bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm. Tưởng nhớ công đức của tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Lý trong việc khai đô Thăng Long, trong việc Phá Tống - Bình Chiêm, mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam; đồng thời cầu cho Quốc thái - Dân an - Thái bình thịnh trị.
Với 2 di tích Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh trong "Thăng Long Tứ Trấn" được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, ý thức trước vinh dự này, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân quận Ba Đình luôn quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích nói chung và di tích quốc gia đặc biệt nói riêng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hơn nữa giá trị các di tích quốc gia đặc biệt tới bạn bè trong và ngoài nước, nhân dân Thủ đô… Tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Thông qua việc tổ chức Lễ hội nhằm phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng niệm các anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân của dân tộc Việt Nam và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhân dân về ý nghĩa lịch sử của di tích Quốc gia đặc biệt đền Voi Phục. Từ đó nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Đôi nét về di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục
Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ (Trấn Tây), nay thuộc phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được xây dựng vào năm 1065, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, một dũng tướng, có công lớn đánh giặc Tống xâm lược nước ta ở thế kỷ XI, giữ cho "Quốc thái dân an". Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên – Mông từ phương Bắc. Ngài được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần".
Hai bên cổng đền Voi Phục có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Phía trước lối đi giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thủy tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng. Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây "chạm tròn" bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực.
Sự hình thành và phát triển của Thăng Long tứ trấn bắt đầu từ thời Lý. Khi nhà Lý xây dựng thành Thăng Long đã xây đền Bạch Mã trấn ở phía Đông kinh thành. Tiếp đó, trong quá trình phát triển, bốn hướng của kinh thành Thăng Long được xây bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng của Thăng Long, gồm đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, đền Kim Liên. Dân gian gọi đây là Thăng Long tứ trấn. Bốn ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, đền Voi Phục là Trấn Tây, đền Quán Thánh là Trấn Bắc nằm trên địa bàn quận Ba Đình.