Đặc sắc Lễ hội Voi Sayaboury
Lễ hội Voi 2025 diễn ra từ ngày 22 - 24/2 tại tỉnh Sayaboury nhằm tôn vinh vai trò của loài vật này trong lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân Lào.

Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmani đánh chiêng khai mạc Lễ hội Voi Sayaboury 2025. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Lào là một đất nước xinh đẹp với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những vùng núi hoang sơ và các vùng quê thanh bình, cùng với đó là những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của đất nước Triệu Voi được tổ chức hằng năm từ cấp trung ương đến địa phương để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đây cũng là yêu cầu mà Chính phủ nước này đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Sayaboury là một tỉnh Bắc Lào, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 300 km và là tỉnh có số lượng voi nhiều nhất cả nước. Lễ hội Voi 2025, diễn ra từ ngày 22 - 24/2 tại tỉnh Sayaboury nhằm tôn vinh vai trò của loài vật này trong lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân, thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.

Những chú voi được khoác lên mình những tấm vải thổ cẩm rực rỡ. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, khi đến với Lễ hội Voi 2025, du khách không chỉ được theo dõi những đoàn rước với những đặc trưng riêng của từng huyện, mà còn có cơ hội hòa mình vào văn hóa địa phương và khám phá những phong tục truyền thống thú vị.
Điểm hấp dẫn nhất của Lễ hội Voi 2025 chính là màn diễu hành voi. Những chú voi được khoác lên mình những tấm vải thổ cẩm rực rỡ, diễu hành và biểu diễn các tiết vô cùng ấn tượng như chào khán giả, kéo cờ, đá bóng, phun nước hay vẽ tranh cùng quản tượng trong sự cổ vũ hào hứng của người dân và du khách.
Bà Somdee Silysak, người dân tỉnh Sayaboury, cho biết đây là lễ hội truyền thống của tỉnh, do vậy năm nào bà cũng cùng với bạn bè và người thân đến tham dự. Bà Silysak thấy rất phấn khích với những phần trình diễn đầy ấn tượng và thú vị của những chú voi ở đây.

Tiết mục biểu diễn lắc vòng ấn tượng của những chú Voi. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Vượt hàng trăm km từ thủ đô Viêng Chăn tới tỉnh Sayaboury để xem trực tiếp những màn biểu diễn đặc sắc của các chú voi, chị Soudaphone Thibounma cho biết đây là lần đâu tiên được xem tận mắt những màn biểu diễn ấn tượng và thú vị này. Chị thấy rất ấn tượng và khâm phục các quản tượng, bởi để có được những tiết mục biểu diễn cùng voi như vậy, họ đã phải trải qua quá trình huấn luyện vất vả kéo dài nhiều năm.
Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa mang tính giải trí đơn thuần, mà còn là cơ hội để mọi người nâng cao nhận thức về việc bảo vệ voi cũng như duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Lào. Lễ hội voi cũng góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Sayaboury nói riêng và của Lào nói chung.
Chị Chleo Maupome, du khách từ Pháp, cho biết đây là lần đầu tiên chị đến với lễ hội và đặc biệt thích thú các màn trình diễn ngộ nghĩnh của những chú voi.

Tiết mục biểu diễn ngộ nghĩnh của chú Voi 4 năm tuổi. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Lễ hội Voi có nguồn gốc từ truyền thống canh tác và chiến đấu của người Lào, khi voi từng là phương tiện di chuyển và chiến đấu quan trọng. Ngày nay, Lễ hội Voi được tổ chức để nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn loài động vật này và tôn vinh sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phetphixay Sounvilay - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sayaboury - cho biết Lễ hội Voi được xem là lễ hội quan trọng của tỉnh Sayaboury. Việc tổ chức lễ hội này là để khuyến khích bảo tồn voi ở các bản và các huyện, vì Sayabouri là tỉnh có số lượng voi nhiều nhất trên cả nước.
Cũng theo ông Phetphixay, trong thời gian qua, người dân tỉnh Sayabouri đã đưa voi vào sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, giúp cho các thể hệ trẻ hiểu được voi là loài vật gắn liền với cuộc sống của người dân Lào.

Toàn cảnh đồng diễn tại Lễ hội Voi Sayaboury năm 2025. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Trong khuôn khổ lễ hội còn có rất nhiều hoạt động đặc sắc khác thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia như biểu diễn diễn nghệ thuật dân gian gắn liền với cuộc sống của người dân địa phương, trưng bày đồ thủ công, mỹ nghệ và khám phá nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc.
Lễ hội Voi tỉnh Sayaboury được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, với mục đích góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa người và voi, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân các dân tộc Lào và bảo vệ đàn voi.