Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc: Thương hiệu văn hóa đặc sắc của huyện Nho Quan
Từ năm 2017 đến nay, qua 8 năm tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan-sự kiện thường niên mỗi dịp đầu xuân đã trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc và thương hiệu riêng có của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Nho Quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của địa phương.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2025. Ảnh: Minh Quang
Lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc
Hòa mình vào không khí Ngày hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống sôi nổi, hấp dẫn, chị Nguyễn Minh Hồng (thành phố Hoa Lư) cùng nhóm bạn đã dành cả một buổi để tham quan, xem các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh mảng, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh đu, tung còn, đánh cù...
Chị Hồng cho biết: Năm 2024, lần đầu tiên tôi dự Ngày hội và bị cuốn hút bởi những hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc nơi đây. Điều thú vị là đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan vẫn duy trì được các trò chơi dân gian, các điệu hát cổ truyền như hát đúm, hát giao duyên… Du khách chúng tôi còn được hòa mình vào các điệu múa sạp, thưởng thức tiếng cồng chiêng… Do đó năm nay tôi mời thêm bạn bè về dự Ngày hội để mọi người cùng chung vui, thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc mà không một địa phương nào trong tỉnh có được.
Là chủ thể của Ngày hội, các nghệ nhân, vận động viên, diễn viên đến từ các địa phương trong huyện đã tích cực luyện tập, đem đến Ngày hội những tiết mục đặc sắc để giới thiệu, quảng bá những giá trị riêng có của dân tộc mình.
Ông Bùi Văn Khoái, thành viên Câu lạc bộ hát Đúm xã Phú Long chia sẻ: Hát Đúm là loại hình hát hội, hát đối đặc trưng của người Mường. Nội dung các điệu hát Đúm khá phong phú, từ chuyện chào hỏi, tình duyên, mùa màng, phong tục tập quán, đến ca ngợi cảnh sắc quê hương, đất nước...
Những năm gần đây, hát Đúm đã trở lại trong các sinh hoạt văn hóa của người Mường nên được người dân chúng tôi chú trọng gìn giữ và phát huy. Ngày hội năm nào cũng vậy, hát Đúm cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác được cất lên để người dân, du khách thưởng thức, cảm nhận được cái hay, cái đặc sắc của nghệ thuật văn hóa dân tộc Mường.
Chị Lê Thị Nga, xã Phú Sơn cho biết: Tại xã Phú Sơn, đẩy gậy là trò chơi dân gian được người dân địa phương yêu thích, lưu giữ trong sinh hoạt hàng ngày, tổ chức thi đấu trong các dịp lễ hội, ngày Tết. Tham gia nội dung thi đẩy gậy tại Ngày hội, tôi và các thành viên của xã Phú Sơn không đặt nặng vấn đề thắngthua mà mong muốn được giao lưu với các đội bạn để cùng nhau giữ gìn phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình trong những ngày đầu xuân…
Trong thời gian diễn ra Ngày hội, Nhân dân và du khách đã được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đắm mình trong bản giao hưởng của núi rừng với âm thanh trầm hùng vang vọng của cồng chiêng, rộn ràng của trống hội, các làn điệu dân ca dân vũ mượt mà đằm thắm, hòa mình vào không khí sôi động của các môn thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc; thưởng thức các món ẩm thực độc đáo; tham quan, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm đặc trưng của địa phương, trải nghiệm không gian trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật với chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử”…
Những hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, hấp dẫn tại Ngày hội đã góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu văn hóa của huyện Nho Quan
Là nơi hội tụ di sản văn hóa của 28 dân tộc anh em, Nho Quan được biết đến là miền đất cổ, được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa, là cái nôi của phong trào cách mạng và sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú, với 317 di sản văn hóa vật thể, 110 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có di sản Mo Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng nhiều di sản văn hóa có giá trị luôn được huyện quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Đồng chí Hoàng Khắp Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội, với mong muốn xây dựng huyện Nho Quan không chỉ giàu về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, mà còn đẹp về văn hóa, biến di sản trở thành tài sản, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các công trình di tích lịch sử được quan tâm đầu tư tôn tạo, các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa được bảo tồn, phục dựng và duy trì tổ chức hàng năm. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, việc truyền dạy văn hóa địa phương trong các trường học được chú trọng, góp phần bồi đắp tình yêu di sản văn hóa đối với thế hệ trẻ. Huyện đã quan tâm bằng nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng để đẩy mạnh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển văn hóa du lịch của địa phương.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Nho Quan được thực hiện có hiệu quả, đã tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, qua đó từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Ngày hội Văn hóa, Thể thao được tổ chức hàng năm là cơ hội để lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của địa phương với du khách xa, gần.
Đồng chí Bùi Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Khôi phục và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; vận động đồng bào mặc trang phục dân tộc truyền thống trong các ngày lễ lớn; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản...
Hiện xã có 8/10 thôn duy trì các CLB văn hóa, thể thao truyền thống, trong đó có 1 CLB hát Đúm, 5 CLB cồng, chiêng, 5 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, 1 CLB bắn nỏ, 1 CLB đánh mảng. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, qua đó tạo môi trường diễn xướng, bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung, văn hóa dân tộc Mường nói riêng.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, cùng sự tham gia góp mặt của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao quần chúng, các em học sinh trong toàn huyện, đã tạo ra không gian lung linh sắc màu của văn hóa các dân tộc.
Việc huyện Nho Quan tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc hàng năm không chỉ mang ý nghĩa của một sự kiện văn hóa mà quan trọng hơn còn là dịp để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc được tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tự giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình, lan tỏa niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, từng cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Để từ đó những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ tiếp tục được vun đắp ngày càng sâu sắc và phong phú hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để huyện Nho Quan tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Hiệu ứng tích cực từ việc tổ chức Ngày hội còn là nguồn lực quan trọng để Nho Quan tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, phấn đấu xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vùng Tây Bắc của tỉnh. Góp phần cùng các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.