Đặc sắc Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2025
Tối 23/4, tại Quảng trường Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức đêm Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Dự lễ Liên hoan có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Tuyên Quang; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Liên hoan đã thu hút gần 300 nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu và các đoàn nghệ thuật đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ thuật. Ảnh: Trần Thắng
Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2025 gắn với tổ chức tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Bà Ma Thị Thao - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Thắng
Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2025 là điều kiện để nghệ nhân, diễn viên các địa phương trong tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Tiết mục Hát Then của người Tày Na Hang. Ảnh: Trần Thắng

Tiết mục múa khèn, múa ô của dân tộc Mông. Ảnh: Trần Thắng
Chương trình Liên hoan được Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm nay đem đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi Đảng, ca ngợi tổ quốc và phản ánh được giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc tỉnh Tuyên Quang như: Tiết mục múa chuông (nam, nữ) của người Dao tiền; múa Nhảy lửa của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn; hát Them đàn tính của dân tộc Tày; múa khèn, múa ô của dân tộc Mông và nhiều tiết mục đặc sắc khác của các dân tộc: Nùng, Sán chay, Sán Dìu, Cao Lan.

Tiết mục múa hát ca ngợi tổ quốc. Ảnh: Trần Thắng


Múa dân tộc Mông của đoàn Hàm Yên. Ảnh: Trần Thắng

Hát múa Sình ca của dân tộc Cao Lan huyện Sơn Dương. Ảnh: Trần Thắng

Múa khai đèn của dân tộc Cao Lan huyện Yên Sơn. Ảnh: Trần Thắng


Các tiết mục nghệ thuật đều được dàn dựng công phu, được thực hiện bởi các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng... là người dân tộc thiểu số. Tất cả đã tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi, phản ánh được giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc, đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại.
Thông qua Liên hoan đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc; gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ban Tổ chức trao giải cho các đoàn nghệ thuật. Ảnh: Trần Thắng
Liên hoan cũng là dịp để quảng bá, quảng bá sắc màu văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang đến đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước; thúc đẩy văn hóa, du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa phát triển; thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm để gìn giữ, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.