Những ngày Văn học châu Âu 2025: Tập trung chủ đề di dân và giới trong sáng tác

Văn học chủ đề di dân, giới trong sáng tác, đặc biệt là những sáng tác của các nhà văn châu Âu gốc Việt là tâm điểm của sự kiện Những ngày Văn học châu Âu 2025.

 Viện trưởng Viện Goethe Oliver Brandt (bìa phải) trao đổi với các diễn giả về văn học châu Âu

Viện trưởng Viện Goethe Oliver Brandt (bìa phải) trao đổi với các diễn giả về văn học châu Âu

Chiều 8/5, sự kiện Những ngày Văn học châu Âu 2025 đã khởi động tại Viện Goethe Hà Nội, với sự góp mặt của Viện trưởng Goethe-Institut - ông Oliver Brandt và các đại diện của Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Italy, Viện Pháp, Trung tâm văn hóa Séc tại Hà Nội, Hội đồng Anh, cùng các tác giả gốc Việt nổi bật tại châu Âu.

Với chủ đề Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu, chương trình năm nay tập trung khám phá hành trình sáng tác của các tác giả gốc Việt, những người đã và đang góp phần làm phong phú nền văn học đương đại với những tiếng nói đa thanh, mang đậm dấu ấn cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuỗi hoạt động Những ngày Văn học châu Âu 2025 bao gồm tọa đàm, thảo luận văn chương và workshop viết dành cho cây bút trẻ, với sự tham gia của các tác giả gốc Việt, đạo diễn, nhà phê bình văn học hàng đầu Việt Nam. Đây là dịp để công chúng yêu văn chương tiếp cận gần hơn với những chuyển động mới của văn học đương đại châu Âu, đồng thời góp phần thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa Việt Nam và khu vực.

Được tổ chức thường niên từ năm 2011, Những ngày Văn học châu Âu đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc của giới yêu sách và văn hóa tại Việt Nam. Năm nay, sự kiện trở lại trong bối cảnh đặc biệt, đánh dấu hàng loạt cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu như 35 năm quan hệ với Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ với Cộng hòa Séc và 50 năm quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức.

Các tác giả đến từ Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha sẽ gặp gỡ độc giả Hà Nội qua chuỗi hoạt động kéo dài 5 ngày, từ ngày 8 đến 12/5, với mong muốn mở ra những cuộc đối thoại mới về văn học, thông qua các chủ đề khác nhau, từ văn học di dân đến những vấn đề về giới trong sáng tác.

Đặc biệt, độc giả yêu văn chương và các cây viết trẻ sẽ có dịp trao đổi gần gũi hơn với các nhà văn thông qua những buổi trò chuyện văn chương, hay các workshop viết nhằm đặt ra những thảo luận về sáng tạo văn chương dưới góc nhìn liên ngành.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-ngay-van-hoc-chau-au-2025-tap-trung-chu-de-di-dan-va-gioi-trong-sang-tac-20250508225333601.htm