Đặc sắc nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là hết sức to lớn, có ý nghĩa chiến lược; ý nghĩa lớn nhất là đã đưa chiến tranh cách mạng vào tận sào huyệt của địch, làm rối loạn hậu phương của chúng, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh.

Về nghệ thuật quân sự, đây là bước phát triển mới trong học thuyết và kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Sự phát triển này được thể hiện ở một số nét đặc sắc như sau:

Về mặt chỉ đạo chiến lược, chúng ta đã phát hiện đúng chỗ sơ hở nhất của địch tại thời điểm mà binh lực của chúng đang ở đỉnh cao chót vót với hơn 50 vạn quân Mỹ và gần 1,2 triệu quân ngụy-chỗ sơ hở đó chính là đô thị. Cùng một lúc chúng ta thực hiện đòn tổng tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 căn cứ của quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn trên khắp miền Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới xuất hiện loại hình tiến công kiểu này nên bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ không thể nào lường định được. Chúng hoàn toàn bị bất ngờ về chiến lược vì Quân giải phóng miền Nam đã đưa được chiến tranh vào các đô thị, quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn bị đánh một đòn đau ở chính nơi mà chúng cho là an toàn nhất.

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Ngay từ đầu, các cơ quan chỉ đạo chiến lược đã xác định 3 trọng điểm của cuộc tổng tiến công và nổi dậy: Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng, trong đó Sài Gòn-Gia Định là hướng chiến lược chủ yếu. Sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo đó đã tạo được yếu tố bất ngờ và tăng sức cộng hưởng cho đòn tổng tiến công. Chúng ta không chỉ tạo được yếu tố bất ngờ về hướng tiến công và mục tiêu tiến công (đô thị, các cơ quan đầu não chiến tranh, các căn cứ quan trọng của địch) mà còn tạo được sự bất ngờ về thời điểm, đó là cuộc tiến công đồng loạt mở màn vào đúng đêm giao thừa, lúc mà đối phương lơ là mất cảnh giác và có nhiều sơ hở nhất.

Để tạo được yếu tố bất ngờ, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, các cơ quan Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, bộ tư lệnh các quân khu, các đơn vị, địa phương đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, giải quyết nhiều vấn đề lớn trong quá trình chuẩn bị. Quá trình quán triệt ý định và kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy cho các chiến trường bảo đảm bí mật tuyệt đối. Trên cơ sở thế trận "3 vùng" được chuẩn bị từ trước, các hướng, các mũi tiến hành công tác chuẩn bị tiến công vào các đô thị trên quy mô lớn nhưng không gây ra xáo trộn nhiều. Có thể nói, tạo được yếu tố bất ngờ về chiến lược và chiến dịch là một thành công về nghệ thuật chỉ đạo và tổ chức chỉ huy của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lúc bấy giờ, cả tướng Westmoreland và cơ quan tình báo của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) đều thừa nhận là "không có ai dự kiến được quy mô các cuộc tiến công vào các thành phố, thị xã trên cả miền Nam" và "không ai phán đoán được ngày tiến công lại là mồng Một Tết". Giới quân sự Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đều thừa nhận rằng, vũ khí mạnh nhất của "cuộc tiến công Tết" chính là sự bất ngờ.

Để tiến công vào các đô thị, ta chủ trương thu hút, căng mỏng lực lượng quân địch trên khắp các chiến trường; kéo quân chủ lực, đặc biệt là quân Mỹ ra các chiến trường do ta lựa chọn nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và giam chân chúng, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở các đô thị. Đây vừa là đòn nghi binh chiến lược nhưng đồng thời cũng là một hướng tiến công của bộ đội chủ lực. Bằng đòn nghi binh chiến lược sắc sảo này, ta đã thu hút và giam chân 17/33 lữ đoàn thiện chiến của Mỹ tại Khe Sanh trong suốt thời gian ta đồng loạt tiến công vào các đô thị trên khắp miền Nam. Cả tướng Westmoreland và MACV ném 2/3 lực lượng quân Mỹ ra Khe Sanh và chờ đợi mãi một "Điện Biên Phủ" tại đây, song không thấy mà lại phải chứng kiến một "Điện Biên Phủ kiểu mới" ngay tại các đô thị trên khắp miền Nam.

Một trong những nét đặc sắc nữa về nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chính là cách đánh. Điều này được thể hiện rất rõ không chỉ trong quá trình tiếp cận mục tiêu, tổ chức đột phá, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu đầu não, đánh địch phản kích. Để có thể tiếp cận áp sát các mục tiêu, lực lượng đột kích (chủ yếu là lực lượng tinh nhuệ đặc công, biệt động) không chỉ thọc sâu luồn lách mà còn đột phá liên tục qua nhiều khu vực, nhiều trọng điểm nguy hiểm.

Cách đánh tập kích đồng loạt các mục tiêu quan trọng chủ yếu trong đô thị bằng lực lượng tinh nhuệ (trong đợt 1) là cách đánh rất hay, rất hiểm; sử dụng lực lượng nhỏ mà tác động lớn. Cách đánh này đã gây nên cú sốc cho quân địch, tạo nên sự bị động trong bộ máy chỉ huy, gây hoang mang, rối loạn trong binh lính địch.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 dẫu còn có những hạn chế như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1973 đã chỉ rõ: Đề ra yêu cầu quá cao, đánh giá tình hình chưa sát nên sau đợt 1, khi mà yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch đã gượng dậy nhưng ta vẫn tiếp tục bị hút vào đô thị tiếp tục đợt 2, đợt 3, để bỏ lỏng vùng ven và nông thôn...; song xét một cách toàn cục thì đây vẫn là một chiến thắng rất to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Trong cuộc tổng tiến công này, ta đã đánh đúng và trúng vào các cơ quan đầu não chiến tranh của địch; thu hút và vây hãm một bộ phận lớn quân Mỹ nhiều ngày ở thung lũng Khe Sanh; đồng thời tiến công quân địch khắp vùng nông thôn rộng lớn ở miền Nam. Ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.

Về mặt nghệ thuật quân sự, có thể thấy chúng ta đã phát hiện được chỗ sơ hở nhất của kẻ địch để phát động cuộc tổng tiến công; chúng ta đã tạo được yếu tố bất ngờ: Bất ngờ về thời gian, bất ngờ về mục tiêu và bất ngờ về quy mô. Chúng ta đã tổ chức đòn nghi binh sắc sảo và hiệu quả; quy mô và phạm vi tiến công rất rộng lớn nhưng về cơ bản vẫn bảo đảm giữ được bí mật. Chúng ta biết lựa chọn cách đánh độc đáo và hiểm; đặc biệt là có nhiều sáng tạo về tác chiến trong đô thị. Ta sử dụng lực lượng không nhiều nhưng tinh nhuệ để tiến công các mục tiêu trong đô thị. Cách sử dụng lực lượng này vừa mang lại hiệu quả chiến đấu cao, vừa gây được chấn động mạnh... Đó chính là những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

TRẦN VĨNH THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dac-sac-nghe-thuat-quan-su-trong-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-mau-than-1968-814841