Đặc sắc những di sản văn hóa
Nhắc đến văn hóa Mường, ta nhớ đến những giá trị văn hóa đặc sắc với sức sống lâu bền. Đáng nói, trong số 14 di sản văn hóa phi vật thể ở xứ Thanh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có 3 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường.
Pôồn Pôông - di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của người Mường xứ Thanh
Năm 2016, sau trò diễn Xuân Phả không lâu, trò diễn (lễ hội) Pôồn Pôông của người Mường xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Thanh Hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở thời điểm đó, niềm vui như vỡ òa với những người đã nặng lòng gìn giữ, bảo tồn trò diễn.
Pôồn Pôông theo tiếng Mường được hiểu là lễ hội múa hát bên cây hoa bông, xuất phát từ sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường. Truyền thuyết của người Mường kể rằng, cây bông trắng gắn liền với câu chuyện tình bi thương của đôi trai gái bản Mường. Tình yêu của họ giữa núi rừng được ví như đôi chim păng poóp tưởng không gì có thể chia cách. Vậy nhưng, tình yêu của họ bị cha mẹ nàng Ờm ngăn cản. Họ không chỉ đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn mà còn đuổi con gái ra khỏi nhà. Lần theo tiếng suối chảy, nàng Ờm tìm gặp chàng Bồng Hương. Hai người cùng vào rừng để được chết bên nhau. Chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho người mình thương rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn, chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn lấy cây chạng bạng. Hoa bông trắng nở vào tháng ba, gặp mưa thì có màu trắng, gặp nắng hoa biến thành màu đỏ. Từ đó, khi cây chạng bạng nở hoa bông trắng, người dân các bản Mường rủ nhau mở hội Pôồn Pôông.
Trung tâm của lễ hội Pôồn Pôông là cây bông và người điều khiển lễ hội là bà Máy. Trong quan niệm của người Mường, bà Máy là người được ma Nổ (ông tổ của nghề thuốc nam) tin tưởng giao cho trọng trách hái thuốc (lá cây rừng) chữa bệnh cho người dân trong bản làng. Không phải ai cũng có thể trở thành bà Máy. Đó phải là người có tài đức, được cộng đồng tín nhiệm. Một bà Máy tài giỏi là người có nhiều con mày, con nuôi (những người được bà Máy chữa khỏi bệnh).
Lễ hội Pôồn Pôông mô phỏng cuộc sống thuở bình minh của con người. Thần linh tạo nên con người và dạy cho họ biết mưu sinh để tồn tại. Đàn ông vào rừng săn con thú, phụ nữ ở nhà dệt vải thổ cẩm. Cùng nhau lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất. Và thần linh lại dạy con người lời thơ, tiếng hát để trai gái yêu nhau, nên duyên vợ nên chồng. Vì vậy, khi lễ hội diễn ra, bên cạnh âm vang của tiếng cồng chiêng thì những làn điệu Xường, Đang được say sưa cất lên… tất cả tạo nên một không gian lễ hội hấp dẫn.
Đắm say điệu xường giao duyên
Cũng trong quan niệm của người Mường, từ thuở “Đẻ đất đẻ nước”, mụ Dạ Dần đã “gánh” xường đi qua các vùng đất và không ai biết mụ sẽ “gieo” xường ở đâu. Bỗng gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống Mường Ai, đầu kia rơi xuống Mường Ống, người dân Mường bèn rủ nhau đi nhặt. Có lẽ bởi vậy mà đất Mường Ai, Mường Ống (nay là huyện Bá Thước) được xem là đất Xường gốc. Trong dân gian người Mường đến nay còn lưu truyền câu ca: “Đứt gánh Mường Ai, đứt quai Mường Ống”. Đã là người Mường, mấy ai không biết đến xường, từ đứa trẻ mới lọt lòng đã “khóc ra tiếng xường Cài va”. Xường là dân ca của người Mường, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người Mường trở nên phong phú hơn. Thông qua xường, mọi tâm tình, cảm xúc của con người được bộc bạch tinh tế và sâu sắc.
Trong ngôi nhà chung các dân tộc sinh sống trên địa bàn xứ Thanh, người Mường chiếm số lượng lớn, chỉ sau người Kinh. Và đồng bào Mường với những nét văn hóa truyền thống có sức sống lâu bền đã và đang góp phần quan trọng vào việc làm rực rỡ hơn “bức họa” văn hóa xứ Thanh. Đến với những vùng đất có cộng đồng người Mường sinh sống, tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện kể về lễ tục và say sưa trong những lễ hội của bản Mường, ta hiểu hơn về nét đẹp văn hóa Mường.
Trong hệ thống xường của người Mường có xường chúc, xường kể nhưng tiêu biểu hơn cả phải kể đến xường giao duyên. Xường giao duyên là lối đối đáp trai gái nhằm bày tỏ tình yêu lứa đôi, nỗi niềm riêng tư, ước mong nên duyên vợ chồng.
Trong xường giao duyên truyền thống có hai phần: xường Áng (hay Xường bậc dưới) và xường Cài va lên bậc (xường bậc trên) và xường Cài va lại có 12 bậc. Theo các bậc cao niên người Mường, 12 bậc xường Cài va tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Khi hai bên trai gái đã thực sự quý mến, yêu nhau thật lòng, người ta hát đến xường thề. Ngay cả khi cuộc xường không thành công, một trong hai bên muốn “chia tay”, người ta lại xường “nửa đường đứt gánh”. Theo nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hương xã Minh Sơn (Ngọc Lặc): “Không phải mọi cuộc xường giao duyên đều thành công - trai gái nên duyên vợ chồng, nhưng ngay cả khi “đứt gánh” thì người trong cuộc cũng không cảm thấy xấu hổ vì xường kém. Đây chính là cách “ứng xử” văn hóa của xường giao duyên”.
Với sức sống bền bỉ và hấp dẫn đặc biệt, xường âm thầm tồn tại trong đời sống người dân Mường tự nhiên như cây rừng. Năm 2019, xường giao duyên huyện Ngọc Lặc chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, người Mường không chỉ tự hào mà có thêm động lực để trao truyền, giữ lửa văn hóa truyền thống của ông cha.
Về bản Mường theo chân phường bùa đi hát chúc
Tháng 8-2022, thêm một di sản văn hóa phi vật thể của người Mường huyện Ngọc Lặc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc bùa. Một huyện có đến 3 di sản văn hóa phi vật thể và cả 3 di sản đều gắn với cộng đồng người Mường, đây thực sự là điều đặc biệt.
Hát Sắc bùa là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường được duy trì ở nhiều địa phương có người Mường sinh sống. Tại Ngọc Lặc, hát Sắc bùa (còn gọi là phường chúc) có những nét riêng, mang sắc thái văn hóa của người Mường xứ Thanh.
Nói về giá trị của hát Sắc bùa, ông Bùi Hải Đăng - Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết: Trong hệ thống nhạc khí, nhạc cụ của người Mường huyện Ngọc Lặc, có thể kể đến trống, khánh, sáo ôi, mõ… và cồng chiêng là nhạc khí tiêu biểu nhất. Không chỉ vậy, cồng chiêng còn được xem như “báu vật” tinh thần và vật chất của mỗi gia đình, làng bản. Tiếng cồng chiêng gắn với người Mường từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi kết thúc kiếp người.
Cồng chiêng cũng là nhạc cụ chủ đạo trong nghệ thuật trình diễn hát Sắc bùa. Theo đó, phường chúc là tập thể những người yêu thích hát xường, hát đang và biết đánh cồng chiêng. Vào những ngày lễ tết hay trong bản có nhà ai về nhà mới, phường chúc sẽ mang cồng chiêng đi đến nhà này sang nhà khác, bản này sang bản khác để đánh cồng và hát chúc. Lời chúc trong Sắc bùa mang ý nghĩa may mắn.
Dù các bài hát chúc trong Sắc bùa đã có khuôn mẫu nhưng khi đến từng nhà, tùy vào gia cảnh của chủ nhà mà phường chúc phải “biến tấu” để hát chúc cho phù hợp. Đó chính là cái tài của người nghệ nhân dân gian…
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/dac-sac-nbsp-nhung-di-san-van-hoa/26301.htm