Những ngày cuối năm, các lò bánh tráng (một số nơi gọi bánh đa, bánh khô) ở Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đỏ lửa, tất bật làm bánh phục vụ Tết Nguyên đán
Ông Đặng Bê (68 tuổi, ngụ thôn Túy Loan Tây) - người có hơn 40 năm tráng bánh cho biết, tráng bánh là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay. Cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, các lò bánh ở đây đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu ăn Tết.
Ông Bê cho biết, những ngày này mọi người dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh mới kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nguyên liệu làm bánh tráng của người dân Túy Loan phải là gạo xiệc - loại gạo quê chính gốc do người dân địa phương ở đây trồng. Gạo được ngâm từ hôm trước sau đó đem xay lấy bột trộn cùng với các gia vị gồm: mè, đường, mắm, muối, gừng và tỏi.
Bà Trần Thị Luyện (70 tuổi) cho biết, mỗi ngày gia đình bà thường tráng 3 ang gạo (mỗi ang hơn 30 lon gạo - PV) tương đương với khoảng 240 cái bánh loại to. "Tôi dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh nhưng vẫn không đủ bán cho khách đặt mua. Bánh tráng được nhiều người sử dụng làm quà biếu nhau cho bạn bè, người thân ở xa. Có người còn mua gửi đi Hà Nội, TP.HCM, các nước như Mỹ, Nhật… Bánh tráng Túy Loan ai ăn một lần là muốn quay lại", bà Luyện cho hay.
Mỗi chiếc bánh được tráng 2 lần để đảm bảo độ ngon, quá trình đổ bánh đều được làm thủ công
Khác với các loại bánh trên thị trường, bánh tráng Túy Loan được sấy trên than hồng chứ không phơi nắng. Trong thời gian sấy, bánh phải được trở liên tục để không bị cháy. Ngoài ra, bánh tráng Túy Loan thường dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh cũng được người sử dụng đánh giá cao.
Bánh sau khi sấy được gói cẩn thận để khách mua làm quà biếu. Bánh chưa nướng được bán ra với giá khoảng 200.000 đồng/chục; bánh nướng thường có giá 250.000 đồng/chục.
Với người dân miền Trung, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên và bữa ăn của mỗi gia đình trong 3 ngày Tết.
Hồ Giáp