Đặc sản Gia Lai hấp dẫn du khách

Cùng với nhu cầu khám phá cảnh đẹp hùng vĩ, hưởng thụ không khí trong lành và trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương, nhiều du khách còn tìm hiểu, mua sắm các loại đặc sản Gia Lai về sử dụng hay làm quà tặng.

Sau thời gian lưu trú ở TP. Pleiku, tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh, đoàn du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị trở về quê hương. Trước khi tạm biệt tỉnh Gia Lai, nhiều người đã dành thời gian tìm hiểu và mua một số đặc sản như: cà phê bột, tiêu sọ, mắc ca, hạt điều rang muối, trà Catecka, khổ qua rừng, mật ong rừng, nấm linh chi... Đây là những sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Anh Lê Xuân Lập cho biết: “Tôi nhiều lần vào Gia Lai tham quan, trải nghiệm. Lần nào tôi cũng tìm mua đặc sản để mang về nhà sử dụng và làm quà biếu người thân. Gia Lai có nhiều đặc sản chất lượng, thơm ngon, an toàn và giá cả phải chăng”.

Du khách tìm mua sản phẩm đặc sản của Gia Lai tại thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Cư

Du khách tìm mua sản phẩm đặc sản của Gia Lai tại thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Cư

Không đi du lịch theo đoàn như anh Lập, vợ chồng anh Vũ Đình Sáu-chị Trương Thị Mỹ Hạnh lại sử dụng xe máy từ TP. Hồ Chí Minh đến Gia Lai. Cảnh trí và con người, văn hóa vùng Bắc Tây Nguyên khiến anh chị mê đắm trải nghiệm và khám phá. Đặc biệt, anh chị dành sự ưu ái và đánh giá cao một số sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Chị Hạnh cho hay: “Vợ chồng tôi vừa đi du lịch, vừa đi mở rộng quan hệ làm ăn. Thấy một số đặc sản nơi đây chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên tôi mua số lượng tương đối gửi ô tô về TP. Hồ Chí Minh bán thử. Nếu thị trường trong đó ưa chuộng, tôi sẽ có kế hoạch kinh doanh lâu dài đặc sản chủ lực ở đây”.

Chị Nguyễn Thị Phương Nhung-người bán hàng lưu niệm và đặc sản Gia Lai ở cổng Di tích thắng cảnh Biển Hồ vui vẻ giới thiệu cho chị Hạnh những sản phẩm OCOP của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai-GAUC.

Chị Nhung phấn khởi cho biết: “Ngoài bán hàng trực tiếp, tôi còn bán hàng qua số điện thoại có kết nối với Zalo và các trang mạng xã hội. Khách hàng chỉ cần gọi điện thoại thỏa thuận giá cả, phương thức thanh toán là tôi ship hàng đến tận nơi”.

Du khách mua hàng tại Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà (số 8D Lê Lai, TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Cư

Du khách mua hàng tại Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà (số 8D Lê Lai, TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Cư

Một trong những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng ở Gia Lai đó là trà, đơn cử như trà Biển Hồ, Bàu Cạn. Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà (8D Lê Lai, TP. Pleiku) chuyên buôn bán các loại trà xuất xứ từ tỉnh Gia Lai và tỉnh Thái Nguyên. Công ty còn liên kết với các công ty chè nổi tiếng ở Thái Nguyên để trao đổi, buôn bán các loại sản phẩm trà Tân Cương, trà Phú Quý, trà Tiên Sinh…

Bà Phạm Thị Mị-Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà-chia sẻ: “Khách hàng mua các loại đặc sản ở Gia Lai chủ yếu là người ngoài tỉnh. Họ rất thích những sản phẩm tự nhiên, được nuôi trồng, khai thác và chế biến theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Đáp ứng nhu cầu đó, Công ty đã sản xuất, chế biến khép kín, không dùng hóa chất, bao bì đẹp, xuất xứ rõ ràng, có hạn sử dụng, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo… cam kết mục tiêu trên hết là phục vụ khách hàng”.

Nhằm góp phần phát triển du lịch, đa dạng các loại hình quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp, các HTX nông-lâm nghiệp trong tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho hay: “Toàn tỉnh có 54 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 6 HTX được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, chanh dây… sang các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với xuất khẩu chính ngạch, các cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng các loại sản phẩm nông-lâm sản phục vụ tiêu dùng nội địa, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan Gia Lai”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dac-san-gia-lai-hap-dan-du-khach-post282583.html