Đặc sản trắng nõn, giòn sần sật từng là loài cỏ dại ở miền Tây
Từ loài cỏ dại như 'cái gai trong mắt' của nông dân miền Tây vì sống quá dai dẳng, phát triển nhanh, bồn bồn giờ đây lại được trồng nhiều để thu hoạch, chế biến thành các món đặc sản hấp dẫn du khách.
Bồn bồn còn gọi là cỏ nến, mọc nhiều ở vùng trũng nước ngọt hoặc lợ ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Những năm gần đây, từ một loài cỏ dại, bồn bồn trở thành loại rau hái ra tiền của người dân miền Tây.
Bồn bồn có sức sống dẻo dai, phát triển tốt ngay cả ở đất nhiễm mặn, phèn. Trước đây, có thời điểm, bồn bồn là "cái gai trong mắt" người dân vì chúng sống rất dai dẳng, phát triển nhanh, không cho bất kỳ loại nào khác vươn lên. Tháng 6, tháng 7 hàng năm, bà con phải vất vả phát dọn bồn bồn để dành đất cấy lúa.

Từng được xem là loài cỏ dại, nay bồn bồn mang lại thu nhập khá cho người dân miền Tây. Ảnh: Trần Tuyên
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở U Minh và Cái Nước (Cà Mau) đã chuyển từ trồng lúa qua trồng bồn bồn, kết hợp nuôi cá đồng bởi thu nhập cao hơn và không cần dùng các loại thuốc trừ sâu.
Cứ bắt đầu vào mùa mưa, cây bồn bồn sẽ sinh sôi, bà con chỉ việc mang ra ruộng trồng, rồi chờ đến thời gian thu hoạch, gần như không phải chăm bón gì.
Từ một loại cây mọc dại, bồn bồn trở thành loại nông sản mang lại kinh tế cho nhiều nông dân Cà Mau. Khi được giá, bồn bồn được bán cho thương lái từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Cái Nước là địa phương nổi tiếng nhất ở Cà Mau về trồng bồn bồn. Sản phẩm bồn bồn Cái Nước, Cà Mau được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể.
Nếu trước đây, bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo ở vùng nông thôn thì ngày nay nó đã trở thành đặc sản, xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khu du lịch.
Bồn bồn được chế biến thành nhiều món ăn như canh cá lóc, xào thịt, tôm, làm gỏi, muối chua để ăn kèm cá kho, thịt kho. Thứ cỏ dại qua bàn tay chế biến khéo léo lại thành đặc sản "ăn tốn cơm", "thử một lần là nhớ mãi".

Bồn bồn xào tôm là món ngon hấp dẫn ở miền Tây. Ảnh: Thương Giang/Yêu du lịch thích ăn ngon
Với bồn bồn tươi, phổ biến nhất là xào với tôm hoặc tép. Bồn bồn được bỏ phần lá xanh, dùng dao gọt bỏ những phần cứng, già ở gốc, chỉ lấy phần non, rửa sạch với nước muối pha loãng, cắt khúc vừa ăn. Sau đó, tùy theo sở thích, người nấu có thể dùng dao đập hơi dập hoặc chần sơ bồn bồn qua nước sôi.
Khi chảo nóng, đầu bếp phi thơm hành tỏi băm nhuyễn rồi cho tôm, tép ướp gia vị vào đảo đều. Khi tôm, tép gần chín, họ bật lửa to, cho bồn bồn vào xào cùng, đảo đều tay trong 1-2 phút. Món ăn đơn giản nhưng rất ngon miệng.


Bồn bồn trắng nõn, tươi ngon. Ảnh: Hợp tác xã bồn bồn Minh Duy
Bồn bồn muối chua cũng là đặc sản hấp dẫn du khách.
Chị Phạm Thị Dung (ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), chủ một cơ sở có tiếng, chuyên sản xuất, chế biến dưa bồn bồn và bồn bồn tươi cho biết: Bồn bồn sau khi nhổ về được lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non nõn nà rửa sạch, chẻ đôi, chờ ráo nước rồi cho vào hũ, đổ nước vo gạo để ngâm.
Dùng nước gạo ngâm tốn nhiều chi phí, công sức nhưng đổi lại hương vị cây bồn bồn được giữ nguyên, giòn và thơm hơn so với dùng giấm. Bồn bồn sau 3 ngày sẽ lên men thành dưa, có thể sử dụng trong một tháng nếu để ngăn mát.
Sản phẩm này của gia đình chị Dung được du khách rất ưa chuộng, tìm mua làm quà khi tới Cà Mau. Sản phẩm cũng được trưng bày tại các hội chợ, đưa vào siêu thị...