Đại án Xuyên Việt Oil: Thời khắc phán quyết

Sau khi nhiều tình tiết trong vụ án được sáng tỏ và nhận thức rõ hành vi vi phạm của bản thân, nhiều bị cáo khóc tại tòa...

Theo kế hoạch, hôm nay (29-11), TAND TP HCM tuyên án đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cùng 14 đồng phạm.

Chi mạnh tay để nhận ưu ái

Xét xử từ ngày 20-11, đến nay, nhiều góc khuất trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil cùng nhiều tổ chức liên quan này dần được sáng tỏ, bức tranh về hành vi trục lợi lắt léo gây thất thoát cho ngân sách hơn 1.400 tỉ đồng được phơi bày.

Hồ sơ thể hiện giai đoạn 2016-2022, Xuyên Việt Oil vi phạm nhiều quy định nhưng vẫn được cấp phép và nhận nhiều "ưu ái" trong kinh doanh xăng dầu. Công ty này cũng được miễn cưỡng chế nợ thuế và phê duyệt hạn mức tín dụng dù có sai phạm. Để có được "ưu ái", bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã hối lộ hơn 31,5 tỉ đồng cho nhiều quan chức.

Sau phần xét hỏi, quá trình đối đáp giữa đại diện VKSND TP HCM và luật sư bào chữa gây chú ý. Trong đó, luật sư của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh cho rằng thân chủ của mình không phải là thương nhân theo pháp luật hiện hành. Vì vậy, những sai phạm liên quan quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) nên được xử lý hành chính thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại diện VKSND TP HCM lập tức phản bác, nhấn mạnh rằng dựa trên các tài liệu pháp lý như giấy phép kinh doanh và lời khai của các bị cáo liên quan, có đủ căn cứ xác định bà Hạnh là thương nhân.

Hành vi vi phạm trong việc trích lập Quỹ BOG của bị cáo Hạnh đã gây thất thoát số tiền lớn, không có khả năng hoàn trả và đây là hậu quả rõ ràng của một hành vi có dấu hiệu tội phạm. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải được chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự xử lý. Luật pháp nghiêm cấm giữ lại các vụ việc như vậy để xử lý hành chính. Vì vậy, quan điểm của luật sư rằng bà Hạnh chỉ vi phạm hành chính bị bác bỏ.

Đối với bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, luật sư nêu ý kiến việc truy tố ông Thọ về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" là không thuyết phục, cơ quan công tố bằng nhiều lập luận đã khẳng định ngược lại.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Công, tội phân minh

Trong phần luận tội, đại diện VKSND đã nêu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với 2 bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Lê Đức Thọ cùng 5 đồng phạm khác. Họ bị áp dụng tình tiết phạm tội từ hai lần trở lên. Dù vậy, VKSND cũng ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác…

Khi đại diện VKS đánh giá đây là vụ án phức tạp với hàng loạt sai phạm kéo dài, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương khiến hàng nghìn tỉ đồng tài sản nhà nước bị thất thoát, nhiều bị cáo đã cúi đầu...

Theo đánh giá của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đây là một trong những vụ án kinh tế, tham nhũng và lạm dụng chức vụ có quy mô đặc biệt lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực trọng yếu là an ninh năng lượng, tài chính và ngân hàng.

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bất ngờ xin nhận trách nhiệm thay cho bị cáo Nguyễn Thị Như Phương, cựu phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil. Bà Hạnh nghẹn ngào trần tình sai phạm xảy ra là do bản thân chỉ đạo và điều hành. Những bị cáo từng giữ chức vụ quan trọng, như Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Lộc An, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng khóc tại tòa sau khi nhiều tình tiết được làm rõ…

Vụ án Xuyên Việt Oil được được hé lộ bắt đầu từ lá đơn tố giác vào ngày 21-8-2023 của 3 cá nhân. Theo đơn, bà Mai Thị Hồng Hạnh thực hiện hàng loạt hành vi lạm dụng quyền lực cùng gian dối, thao túng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường để chiếm đoạt số tài sản khổng lồ… Ba ngày sau, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm với đơn tố giác nêu trên.

Bồi thường toàn bộ thiệt hại

VKSND TP HCM đề nghị mức án 20 năm tù với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 10-12 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

15 bị cáo trong vụ án sẽ nhận phán quyết tương xứng với hành vi vi phạm

Bị cáo bị đề nghị mức án cao thứ hai là Lê Đức Thọ, với tổng mức hình phạt từ 28-29 năm tù về các tội "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đối với các bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ" khác, VKS đề nghị tuyên phạt mức án từ 2-8 năm tù. Nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ" bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, VKSND xác định việc bồi thường hơn 1.400 tỉ đồng thiệt hại của vụ án thuộc về trách nhiệm của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.

Bài và ảnh: Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-an-xuyen-viet-oil-thoi-khac-phan-quyet-196241128210425738.htm