Đại biểu đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách trao quyền nhiều hơn cho địa phương
Đại biểu Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, hướng đến phân cấp hợp lý, đảm bảo vai trò chủ đạo của Trung ương và tính chủ động của địa phương.

Thu ngân sách Nhà nước trong tháng Hai ước đạt 191,9 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có vai trò then chốt trong việc quản lý, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực đạt các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đồng thời đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Giải quyết những bất cập trong thực tiễn
Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này phải hướng đến các mục tiêu then chốt. Đặc biệt là giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý, điều hành ngân sách, đặc biệt là trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh Luật để phù hợp với tình hình thực tế. Ông chỉ ra số liệu của Bộ Nội vụ đến cuối năm 2024 đã có 65 đơn vị cấp huyện và hơn 1.000 đơn vị cấp xã được sắp xếp, sáp nhập dẫn đến việc nhiều xã không còn Hội đồng nhân dân hoặc hoạt động theo mô hình ủy quyền hoặc hợp nhất về mặt tổ chức. Tại dự thảo, Điều 7 đã mở rộng theo hướng phân cấp ngân sách linh hoạt, tùy thuộc mô hình chính quyền nhưng lại chưa nêu rõ nguyên tắc xử lý ngân sách cho các địa phương chuyển tiếp mô hình. Từ đó, ông đề xuất bổ sung điều khoản về thiết lập ngân sách tương ứng với mô hình chính quyền mới (trong đó quy định cụ thể các trường hợp không tổ chức Hội đồng nhân dân, không còn tư cách pháp nhân tài chính) và giao Chính phủ ban hành danh mục hướng dẫn xác lập ngân sách đặc thù kèm theo cơ chế giám sát, phân cấp phù hợp tại các đô thị lớn và khu hành chính kinh tế đặc biệt trong tương lai.
Về đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, các đại biểu cho rằng Luật cần xác định rõ nguyên tắc phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đây là một điểm mới của dự thảo luật. Ông cũng bày tỏ hy vọng việc này sẽ giúp địa phương thu được nhiều, tích cực và có trách nhiệm hơn. Điều này góp phần tăng thu theo dự toán đầu năm, đặc biệt là thu bất động sản, thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và về thuế tiêu thụ đặc biệt…
“Phân cấp nguồn thu chia cho địa phương cao hơn so với luật hiện hành, địa phương sẽ rất phấn khởi và an tâm. Hơn nữa, các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp thì phân chia tỷ lệ này là hợp lý,” ông Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ hy vọng việc này sẽ giúp địa phương thu được nhiều, tích cực và có trách nhiệm hơn. (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, luật cần tạo động lực để cơ cấu lại chi ngân sách, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực trọng điểm (như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.”
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) chỉ ra dự thảo quy định là “ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật chuyên ngành phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước.” Tại điểm này, ông đề nghị cần làm rõ các quỹ thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách pháp luật, đã được quy định ở những luật chuyên ngành nào, để đảm bảo ngân sách Nhà nước có thể đáp ứng đồng thời không bị dàn trải. Ngoài ra, ông kiến nghị bổ sung quy định ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo việc bố trí ngân sách cho các quỹ được quy định bởi Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (đang được Quốc hội xem xét và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9).
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh giữa bối cảnh các địa phương đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, dự luật cho phép sử dụng nguồn vượt thu kết dư ngân sách để đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, số hóa thủ tục hành chính, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng xanh cho các mục tiêu phát triển chiến lược (theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân). Bà đề nghị về nguyên tắc quản lý ngân sách, dự luật bổ sung nội dung ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu mở, chuyển đổi số toàn diện của chính quyền. Vì, đây là khoản đầu tư cho tương lai, cần được xem là ưu tiên chiến lược.
Đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, bà Lệ cũng cho rằng cần làm rõ thẩm quyền thành lập và quản lý của địa phương. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất bên cạnh các quỹ do Trung ương thành lập, cần cho phép địa phương được lập một số quỹ tài chính ngoài ngân sách, theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch để đáp ứng các nhu cầu đặc thù (như quỹ phát triển chuyển đổi số, quỹ đầu tư hạ tầng đô thị, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo). Thêm vào đó, dự thảo cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền thành lập các quỹ này (nếu địa phương có nhu cầu, có đủ năng lực thì có được lập không?). Hơn nữa, quy định rõ quỹ tài chính ngoài ngân sách có thể do địa phương thành lập (nếu đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không trùng lặp chức năng, có nguồn thu độc lập và được Hội đồng nhân dân quyết định), bởi đây là cơ sở để địa phương huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị dự luật cần cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của đơn vị sử dụng ngân sách.
Nhiều vấn đề "nóng" được đặt ra
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn tập trung vào một số vấn đề "nóng". Cụ thể là thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước. Một số đại biểu cho rằng việc trao cho Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước có thể làm giảm vai trò giám sát của Quốc hội, đề nghị giữ nguyên quy định như luật hiện hành.
Đối với dự phòng ngân sách Nhà nước, các đại biểu tranh luận về mức bố trí dự phòng ngân sách, liệu có nên tăng lên 5% như dự thảo hay giữ nguyên mức 2-4% như luật hiện hành, để đảm bảo cân đối giữa an toàn tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Việc sử dụng nguồn tăng thu so với dự toán, các đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về việc sử dụng nguồn tăng thu, ưu tiên cho các mục tiêu quan trọng như đầu tư phát triển, an sinh xã hội đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh lãng phí, thất thoát.
"Dự phòng ngân sách Nhà nước sử dụng để chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng 50% dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu," đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đề xuất sửa đổi, nhằm tăng cường trách nhiệm của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. (Ảnh: Vietnam+)
Trước những ý kiến đa chiều của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ nhiều vấn đề được quan tâm. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
“Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo ngân sách Nhà nước, quy định Quốc hội quyết định tổng thể về cơ cấu lớn, dự toán ngân sách Nhà nước; phân bổ ngân sách Trung ương, như là chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi tiết, cụ thể theo từng lĩnh vực thu, chi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định bao gồm cả lĩnh vực thực hiện theo nghị quyết của Đảng, như là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình./.