Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân: Đề nghị hoàn thiện pháp luật về kinh doanh tín chỉ các-bon rừng
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 01/6 và sáng 02/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tổng kết việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các ý kiến phát biểu tập trung đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án đầu tư công; phát triển kinh tế vùng; chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc; đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; xử lý nợ xấu và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42/2017/QH14.
Các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm việc chậm tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về giá xăng, dầu; an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách đối với đội ngũ giáo viên khu vực miền núi; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng những mặt đạt được những tồn tại hạn chế được chỉ ra sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX, khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 thì có thể thấy đây vẫn là vùng còn rất nhiều khó khăn. Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị có những mục tiêu mới và nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầy đủ, đồng bộ so với Nghị quyết và Kết luận nói trên.
Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu như: Phấn đấu đến năm 2030, 2045 là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; khôi phục rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, đường quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng… thì không chỉ dừng ở việc đánh giá những bất cập, chồng chéo của cơ chế, thể chế, không chỉ nhìn lợi thế, tiềm năng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả mà đó là sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, về phân bổ nguồn lực; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia là sự hoàn thiện về chế chế, chính sách - một nội dung quan trọng trong khơi thông nguồn lực cho phát triển vùng. Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, định hướng bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch có tính ưu tiên, đặc thù và có hiệu lực ngay để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững.
Thứ hai, Quốc hội đã thảo luận và thông qua một số cơ chế thí điểm và những chính sách đặc thù cho các địa phương nhằm tạo công cụ pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh, thành phố, điều này cho thấy các quy định hiện hành trong Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp, Luật Phí và lệ phí đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án xây dựng công trình giao thông trên địa bàn có tuyến dài, đi qua nhiều khu vực địa hình, không tránh khỏi việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, việc thực hiện các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cần qua nhiều bước, thời gian thực hiện thường kéo dài, nên việc triển khai các dự án giao thông ở các tỉnh trung du, miền núi còn nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn dự án. Từ đó, đại biểu Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, phân cấp thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên, đất trồng lúa với diện tích dưới 20ha và chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với diện tích dưới 30ha, để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cho phép các công trình giao thông quan trọng của các địa phương cũng được áp dụng cơ chế chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường, không phải thực hiện thủ tục cấp phép. Đồng thời, áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn và các gói thầu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án giống như Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với diện tích đất lâm nghiệp lớn và độ che phủ cao mang lại cho Bắc Kạn lợi thế và tiềm năng đề phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp, đặc biệt là điều kiện để tiếp cận thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon. Tuy nhiên hiện nay thương mại tín chỉ các-bon rừng là nội dung mới và còn nhiều thách thức. Ở nước ta mới thực hiện thí điểm tại một số tỉnh. Các quy định về quyền các-bon, hệ thống chuyển nhượng quyền các-bon, giấy chứng nhận giảm phát thải… còn cần hoàn thiện hơn, ngoài ra năng lực kỹ thuật còn hạn chế, thiếu nguồn đầu tư cho điều tra, theo dõi, giám sát rừng để xây dựng báo cáo đo đạc, kiểm chứng nhất là việc bóc tách kết quả hấp thụ các-bon từ rừng.
Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị nghiên cứu tiếp tục cho phép các tỉnh đáp ứng đủ điều kiện lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, từ đó có những hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này; thực hiện rà soát hiện trạng rừng chi tiết, đánh giá trữ lượng các-bon để xây dựng bản đồ rừng, bản đồ tín chỉ các-bon cho từng khu vực, từng trạng thái rừng, cấp tuổi rừng trồng; thực hiện quản lý rừng bền vững phù hợp với từng loại rừng hướng tới phục vụ thương mại tín chỉ các-bon như: Bảo vệ nghiêm diện tích rừng tự nhiên; quản lý rừng trồng như kéo dài chu kỳ kinh doanh, khai thác chọn hoặc các hoạt động lâm sinh nhằm tăng lượng sinh khối thu được một cách bền vững, cấp chứng chỉ rừng; tiếp tục trồng mới rừng. Với những nội dung cần làm và quyết liệt triển khai, triển khai một cách bài bản sẽ đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa các-bon, sớm đưa lợi ích đến với chủ rừng./.