Đại biểu lo ngại doanh nghiệp lợi dụng lý do khó khăn để trốn đóng BHXH
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn lo lắng, nếu quy định như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Liên quan đến thực trạng và tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp đã thu hút ý kiến của nhiều đại biểu.
Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH được xử lý hình sự như nợ thuế
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/ năm. Trong năm 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.
Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, kiến nghị với Quốc hội trong lần này sẽ đưa vào Điều 135 của dự thảo Luật sửa đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa Luật Công đoàn. Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy cũng nêu thực trạng trốn, chậm, nợ đọng BHXH kéo dài thời gian qua, tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh. Các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp, nhưng hiệu quả vẫn thấp, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Theo nữ đại biểu, nhiều nước quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý BHXH. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng kéo dài.
"Nếu áp dụng kinh nghiệm này của các nước, hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết; giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm", bà Thúy nói.
Cùng quan tâm đến vấn đề chậm đóng BHXH, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động
Liên quan đến nhóm quyền lợi của người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng BHXH vào khoản 2 Điều 8, bổ sung loại hình Bảo hiểm thất nghiệp vào nghiêm cấm hành vi chiếm dụng.
Về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động, tại Điều 13, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tách thành 2 điều riêng, gồm: điều quy định về quyền trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; điều về quyền, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động; đồng thời đề nghị tách quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành hai khoản riêng, vì rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị xã hội. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Điều 37 về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc như ý kiến của ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, trong đó cơ quan BHXH có quyền khởi kiện, bởi khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự. Trong khi đó, dự thảo luật đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các cái biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan BHXH…
Không nên ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH?
Về nội dung xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu rõ đây là nội dung rất cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 2 quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động đã chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm và quy định này thì doanh nghiệp phải có thể ngừng hoạt động. Nếu ngừng sử dụng hóa đơn và điều này không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động đang hoạt động tại ở các cơ quan này. Về vấn đề này thì Điều 125 Luật Quản lý thuế đã có quy định, do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và cân nhắc về quyết định này.
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề cập đến nội dung quy định về hành vi trốn đóng BHXH tại Điều 36 của dự thảo Luật…
Cụ thể, tại điểm c Khoản 2 Điều 36 của dự thảo Luật này quy định một rất quan trọng để xác định hành trốn đóng BHXH. Theo đó, trong trường hợp người sử dụng lao động có khả năng nhưng không đóng. Theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, quy định này sẽ thay đổi một cách rất lớn về chính sách. Đại biểu bày tỏ ủng hộ phương án của Chính phủ trình, đó là chỉ nên coi việc trốn đóng BHXH là khi họ có điều kiện nhưng không đóng.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, theo Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bên cạnh 9 nhóm hành vi quy định tại Điều 8 dự thảo luật đề nghị bổ sung từ "chiếm đoạt" là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đại biểu, trên thực tế cho thấy, một bộ phận người sử dụng lao động đã có hành vi chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động. Bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia BHXH bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng BHXH. Quy định này nhằm bảo vệ người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, giúp họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động về việc đóng BHXH.
Tại Tờ trình tiếp thu, giải trình ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giữa tháng 9, Chính phủ đề xuất nhiều biện pháp xử lý chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc như: trên 6 tháng ngừng sử dụng hóa đơn, trên 12 tháng bị hoãn xuất cảnh. Chế tài đưa ra trong bối cảnh nợ bảo hiểm hàng năm tăng dần, diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng tới cuối năm 2022.