Đại biểu lo ngại việc 'làm mới di tích' sau tu bổ, tôn tạo
Các đại biểu lo ngại và đồng ý với việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng vì không phải di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt nào cũng cần tôn tạo.
Hôm qua (1-11), Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (gọi tắt là chương trình).
Các nội dung về mục tiêu, nguồn vốn thực hiện chương trình, việc đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài được các đại biểu (ĐB) QH đặc biệt quan tâm, đưa ra thảo luận.
Không phải di tích quốc gia nào cũng cần tu bổ, tôn tạo
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay dự thảo chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích cấp quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo. Đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% các di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn về những con số cụ thể này.
Theo ĐB Việt Nga, các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa. Trải qua nhiều năm với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và tác động của con người nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ và tôn tạo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ.
Bà Nga cho biết từ năm 2012 đến 2020, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể, tu bổ cấp thiết cho hàng ngàn di tích, khu di tích được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Chưa kể hằng năm, địa phương và Bộ VH-TT&DL vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích. Do vậy, bà cho rằng nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến hai lo ngại.
Một là, việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ. Lợi bất cập hại ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích như từng xảy ra ở một số địa phương. Hai là, việc phân bổ nguồn lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm.
“Tôi đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo. Các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo. Như vậy có thể sẽ hợp lý hơn” - bà Nga nói.
ĐB Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ số liệu, tính khả thi về mục tiêu này. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, hiện nay có hơn 130 di tích quốc gia đặc biệt và con số này, theo ĐB còn tăng thêm qua các đợt xét công nhận từng năm.
Khi nào xây Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài?
Tại diễn đàn QH, nhiều ĐB cũng quan tâm về việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhận định việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế, do vậy cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Đơn cử như Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho biết trước đây không đồng tình việc này nhưng sau khi nghe giải trình cùng ý kiến của các ĐB thì ông thống nhất nên xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông, chỉ xây dựng trung tâm văn hóa đối với những nước lớn có đông đảo đồng bào Việt kiều đang sinh sống, làm việc.
Cũng thống nhất về việc cần đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tuy nhiên ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả. Vì bản chất đây là xuất khẩu văn hóa, là quảng bá văn hóa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào “khẩu vị” văn hóa, sự yêu thích, thậm chí kể cả vấn đề chính trị của mỗi quốc gia, quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Trí cũng cho rằng nếu xây dựng thì phải đảm bảo có tính lưỡng dụng cao, đó là văn hóa, là biểu diễn, là trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt… Và lưu ý không chỉ chúng ta dùng mà bạn cũng dùng để tăng tính hiệu quả.
“Chỉ xây khi dự kiến thu bù đủ cho chi. Vì bây giờ xây thì có thể có kinh phí của chương trình nhưng sau này phải có kinh phí thu được từ các hoạt động của trung tâm để trang trải cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, kể cả kinh phí thuê đất… thì mới tồn tại lâu dài được” - ông Trí nói.
Ưu tiên trong xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài
Giải trình, làm rõ thêm các ý kiến mà ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay khi đặt ra mục tiêu 95% di tích quốc gia đặc biệt… được tu bổ, tôn tạo, cơ quan xây dựng dự thảo đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của ĐB Việt Nga về việc để tránh nhầm lẫn thì sẽ viết thẳng vào là “những di tích xuống cấp”.
Về vấn đề đầu tư các trung tâm văn hóa nước ngoài, ông Hùng cho biết đây là thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, của Nhà nước. Khi triển khai Chính phủ sẽ hết sức lưu ý. Bởi trên thực tế không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các hiệp định giữa hai Chính phủ với nhau, dựa trên vấn đề quan hệ theo nguyên tắc đối đẳng. Đồng thời, chúng ta phải ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để phát huy được tốt nhất các mục tiêu đề ra.
“Chúng ta sẽ lựa chọn 3-5 Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và phải ưu tiên theo thứ tự, Chính phủ sẽ trình và Chính phủ sẽ quyết nghị theo nguyên tắc đối đẳng” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-lo-ngai-viec-lam-moi-di-tich-sau-tu-bo-ton-tao-post817850.html