Đại biểu lo việc tăng dư nợ vay của địa phương, Bộ Tài chính nói đã 'tính toán rất kỹ'
Trước lo lắng về việc nới trần dư nợ vay của ngân sách địa phương lên 120% số thu có thể khiến 'dày nợ', Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định 'đã tính toán rất kỹ' và nêu quan điểm 'địa phương khi vay nợ phải có tư duy như khoản vay ngân hàng'.
Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Theo dự thảo, về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo quy định địa phương tự cân đối thu chi được vay tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng. Chính sách này trước đây đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm ở một số địa phương, lần này, được đưa vào trong Luật, nhằm giúp các địa phương chủ động thực hiện dự án lớn trên địa bàn.
Song, một số đại biểu Quốc hội lo ngại, quy định này sẽ dẫn đến tình trạng "dễ vay, dày nợ", gây áp lực lên trần nợ công và làm phân tán nguồn lực quốc gia.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định trên sẽ khiến các địa phương rất phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cùng với tăng trần nợ vay của địa phương thì phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ vay, tránh tình trạng không trả nổi sau khi vay, khiến ngân sách trung ương phải bù, làm nợ công tăng cao.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đề xuất này đã được Bộ Tài chính "tính toán rất kỹ".
Trần nợ công được Quốc hội cho phép là 60% GDP, tuy nhiên, tới hết năm 2024, trần nợ công chỉ mới ở mức 34,7% GDP. Cùng đó, dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, bội chi ngân sách Nhà nước ở trung ương là 5% và địa phương là 0,7%.
"Chúng tôi rất đồng tình với các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, chúng ta nâng trần nợ công nhưng chúng ta phải kiểm soát được hai vấn đề rất lớn. Một là, vấn đề liên quan đến nợ công và bội chi, làm sao để kiểm soát trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Hai là, vấn đề chất lượng vay, chất lượng các dự án," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân tích.
"Chúng ta phải tư duy giống như khoản vay ngân hàng. Dù là khoản vay ODA, vay từ trung ương, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương đều phải tính toán đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và và hiệu quả vốn vay," Bộ trưởng Thắng nói, và cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tính toán để quy định chặt chẽ hơn, nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội
TP Hà Nội được giữ lại 100 % tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm tới quy định về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026.
Trong năm 2026, khi luật có hiệu lực, sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội để quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho phù hợp và đảm bảo ổn định lâu dài.
Giải thích thêm một số ý liên quan đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, Bộ trưởng khẳng định điều này đã được Trung ương chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 93 của Bộ Chính trị. Theo đó, ngân sách trung ương phải giữ vai trò chủ đạo, đến năm 2030, ngân sách trung ương phải chiếm từ 58-60% trong tổng chi ngân sách. Để đạt yêu cầu này thì phải triển khai thực hiện từ năm 2026.
Dự thảo Luật quy định, phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên thực tế, Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và hiện nay, TP Hà Nội cũng đang tập trung vào nhiều dự án, công trình trọng điểm.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi quy định để TP Hà Nội được giữ lại 100 % tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Thủ đô, trong bối cảnh thành phố đang tập trung vào rất nhiều dự án, công trình trọng điểm.