Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải góp ý kiến cụ thể đó là:

Khoản 7 Điều 7 Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa có quy định... hình thành Quỹ bảo tồn di sản văn hóa trên cơ sở tuân thủ pháp luật, được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước để chủ động trong việc bảo tồn các di sản văn hóa bị xuống cấp; điểm b khoản 5, Điều 92 quy định quỹ bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Theo đại biểu Mai Văn Hải cần phải cân nhắc lại chính sách này.

Nếu hình thành quỹ ở địa phương sẽ gây khó khăn trong việc hình thành quỹ, bởi không phải nơi nào cũng xây dựng được quỹ. Nếu hình thành quỹ thì cũng khó có thể đáp ứng được trong việc bảo tồn các di tích. Việc hình thành quỹ ở địa phương có thể không hiệu quả.

Hơn nữa, đã có quy định ở Chương VII điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã quy định nguồn tài chính; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (có cả chi thường xuyên và chi đầu tư)

Đề nghị xem xét không nên có chính sách để hình thành quỹ bảo tồn di sản văn hóa đối với địa phương, mà chỉ nên thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập.

Điều 30: Dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Trong đó, quy định các dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa, thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

Theo đại biểu, quy định để quản lý việc đầu tư xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ di tích là cần thiết, song cũng không làm khó, làm tăng thêm thủ tục cho việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, cũng như xây dựng nhà ở riêng lẻ ở gần khu vực bảo vệ di tích.

Việc đầu tư xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ cũng giống như các dự án khác, đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và phải tuân theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Những công trình có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, được quy định thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, như: Có thể làm sai lệch các sự kiện lịch sử; nguy cơ phá vỡ cấu trúc quy hoạch; có nguy cơ tác động tiêu cực đến sự toàn vẹn về giá trị cảnh quan thiên nhiên; nguy cơ che khuất tầm nhìn.

Quy định như dự thảo sẽ rất khó xác định những trường hợp có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc; hơn nữa cũng không xác định phạm vi từ khu vực bảo vệ II trở ra bao nhiêu mét nên có thể tất cả các công trình dự án, nhà ở gần khu vực bảo vệ II đều phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, như thế sẽ thêm thủ tục, khó khăn cho đầu tư xây dựng các công trình cũng như xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ của Nhân dân.

Vì vậy, đề nghị nên quy định chỉ xem xét các dự án công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ trong phạm vi ngoài khu vực bảo vệ II trở ra bao nhiêu mét và kèm theo các nguyên tắc, tiêu chí nhận biết cụ thể các công trình ảnh hưởng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích cảnh quan, không nên quy định liệt kê các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố gốc cấu thành di tích như dự thảo.

Theo các quy định tại khoản 1 Điều 24, việc xếp hạng di tích ở phạm vi quốc gia được phân biệt dựa theo giá trị tiêu biểu, giá trị tiêu biểu quốc gia, giá trị đặc biệt tiêu biểu quốc gia. Tuy nhiên, giữa các giá trị tiêu biểu của địa phương, giá trị tiêu biểu của quốc gia và giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia đều chỉ có một tiêu chí chung là “đáp ứng ít nhất 1 trong các tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này”. Như vậy, sự khác biệt để căn cứ xếp hạng khác nhau giữa các loại di tích là không rõ ràng và có thể chồng lấn hoặc không thể xếp hạng chính xác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể nhằm thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện cũng như bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Khoản 3 Điều 32: Người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích. Trong đó, dự thảo Luật quy định thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan tổ chức ở Trung ương quyết định thành lập tổ chức quản lý di tích. Quy định như dự thảo là chưa rõ về thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, của bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan Trung ương trong quyết định thành lập tổ chức quản lý di tích.

Đề nghị nên giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND tỉnh thành lập ban quản lý di tích đối với các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới và ban quản lý trực thuộc sở văn hóa, thể thao và du lịch. Chỉ những nơi liên quan từ 2 tỉnh trở lên thì thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban quản lý di tích cấp tỉnh thì giao cho chủ tịch UBND huyện thành lập và là đơn vị sự nghiệp công lập có thu; quy định một ban quản lý có thể quản lý nhiều di tích, tránh tình trạng như hiện nay mô hình quản lý chưa thống nhất, cùng cấp di tích có nơi ban quản lý huyện quản lý di tích, có nơi ban quản lý di tích thuộc sở văn hóa, thể thao và du lịch quản lý...

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dai-bieu-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-gop-y-ve-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-228437.htm