Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thống nhất cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam
Chiều 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Đồng thời cho rằng, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm trong ngắn hạn vừa tạo không gian phát triển mới trong dài hạn.
Thời gian qua, việc triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn; sự đổi mới tư duy quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đồng bộ, hiện đại, mang tầm quốc tế, theo đại biểu Mai Văn Hải là rất cần thiết và khả thi trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây là một dự án lớn, thời gian triển khai dự kiến kéo dài, nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức có thể chưa lường hết, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm thêm một số vấn đề.
Cụ thể, đại biểu thống nhất phương án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam theo phương án đầu tư để chở khách, khi cần thiết thì chở hàng với vận tốc là 350 km/giờ và sử dụng vốn đầu tư công. Đầu tư nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng hóa và có thể chở khách ở cự ly phù hợp, nhưng đề nghị cần làm rõ khi nào là cần thiết để chở hàng, nếu chỉ chở hàng khi cần thiết tức không phải thường xuyên thì việc đầu tư đường sắt, bố trí ga hàng hóa cần phải xem xét, cân nhắc cho hiệu quả. Việc đầu tư nâng cấp đường sắt hiện hữu theo đại biểu Mai Văn Hải là cần thiết, song cần làm rõ cụ thể thời gian nào có thể triển khai.
Về bố trí ga hành khách và ga hàng hóa, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất cao với ý kiến phát biểu của đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn Nghệ An. Đại biểu đề nghị ở mức lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải tiếp tục rà soát lại với các tỉnh để chọn phương án tối ưu nhất để đặt các ga hành khách và hàng hóa. Đối với tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng, rất đông dân, khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã và đang thu hút nhiều dự án lớn trong nước và ngoài nước, điển hình là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thị xã Nghi Sơn đang có nhiều tiềm năng phát triển, dự kiến sẽ trở thành thành phố và đô thị loại 3 vào năm 2030. Vì vậy, đề nghị xem xét, bố trí thêm một ga hành khách và một ga hàng hóa tại thị xã Nghi Sơn, khoảng cách từ ga đến TP Thanh Hóa khoảng 50 km và cách thành phố Vinh khoảng trên 80 km. Hơn nữa, khi đặt tại Nghi Sơn sẽ có lợi thế trong kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn và việc vận chuyển hành khách hàng hóa không chỉ riêng cho phía Nam Thanh Hóa mà cả Bắc Nghệ An. Việc này sẽ thúc đẩy khu vực Nam Thanh, Bắc Nghệ phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
Đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn về tính khả thi của việc bố trí vốn. Bởi vì, trải qua thời gian dài nên có thể có sự cố về chủ quan, khách quan như thiên tai, dịch bệnh, môi trường, nhiều trường hợp bất khả kháng khác hay do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện còn hạn chế... có thể phải tăng tổng mức đầu tư thì khả năng và hướng xử lý như thế nào trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Để tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc khi vay vốn ODA, Chính phủ kiến nghị sử dụng vốn trong nước. Đại biểu Mai Văn Hải hoàn toàn thống nhất với chủ trương này nhưng đề nghị cũng cần phải nghiên cứu. Nếu có nguồn vốn ODA thuận lợi, ít ràng buộc, lãi suất hợp lý thì phải tranh thủ và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định vay để bổ sung nguồn vốn cho dự án để giảm bớt áp lực vốn trong nước.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét, tính toán kỹ hơn có thể rút ngắn thời gian thi công được không; khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần có giải pháp thuyết phục để không xảy ra tình trạng chậm trễ như việc triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian vừa qua, để không xảy ra tình trạng tăng vốn, kéo dài thời gian thi công.