Đại biểu QH: 'Phải thẩm tra dự án mới yên tâm bấm nút thông qua'

Cho rằng các dự án PPP được áp dụng cơ chế chính sách thí điểm đặc dù phải được thẩm tra, các đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đề ra tiêu chí, điều kiện và phân quyền quyết định cho Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quốc hội có nên “chốt” danh sách các dự án cụ thể hay chỉ quy định tiêu chí và phân quyền quyết định cho Chính phủ là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra và tranh luận trong phiên làm việc sáng nay, 9/11, khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Phải thẩm tra mới bấm nút thông qua

Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ quy định 5 nhóm chính sách ưu tiên như trao quyền cho lãnh đạo các địa phương, nâng tỷ lệ vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, nới thêm quy định về khai thác khoáng sản phục vụ công trình…; trong đó dự thảo cũng quy định cụ thể 16 dự án được hưởng các nhóm chính sách này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết khi thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí nhưng lại không có các tiêu chí cần phải có như tính hiệu quả, tính hợp lý và tính cấp thiết. “Dự thảo Nghị quyết không có những nội dung cụ thể tiêu chí này nhưng lại có danh mục dự án. Vậy, vấn đề đặt ra là các dự án có trong danh mục có bảo đảm yêu cầu?” đại biểu Dương Trọng Nghĩa nói.

Cũng theo đại biểu Nghĩa, dự thảo Nghị quyết quy định về quy trình: Nếu muốn xin bổ sung dự án để đưa vào danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đại biểu đặt vấn đề các dự án có trong danh mục lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra hay chưa? Khi Ủy ban Kinh tế không thể thẩm tra toàn diện tính hiệu quả, tính hợp lý, tính cấp thiết của từng dự án này thì rất khó để các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết đi kèm danh mục dự án.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh thực trạng có những dự án PPP yêu cầu Nhà nước phải giải cứu với lý do phản khoa học là đường huyết mạch nhưng lưu lượng xe quá ít nên thu không đủ và đề nghị Nhà nước phải mua. Theo đó, đại biểu đặt vấn đề về người chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của các dự án.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, để đại biểu Quốc hội an tâm bấm nút thông qua danh mục dự án thì cần phải có thẩm tra khẳng định được những dự án này là hợp lý, cấp thiết và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết Nghị quyết này chỉ áp dụng cho những dự án có trong danh mục, nhưng cũng trong dự thảo có nội dung Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung dự án vào danh mục. Đây là vấn đề mâu thuẫn trong dự thảo Nghị quyết. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần xem xét, điều chỉnh để đảm bảo không mâu thuẫn trong văn bản pháp luật.

Nên phân quyền cho Chính phủ

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất việc thẩm tra các dự án, Quốc hội nên trao quyền cho Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đây cũng là đề xuất của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Theo đại biểu Lộc, không nên ban hành một danh mục các dự án cũng như không nên để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Ủy ban Kinh tế phải khảo sát, đánh giá và cam kết trước Quốc hội về những dự án này đảm bảo đủ các điều kiện vì nhiệm vụ quá nặng nề.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội chỉ ban hành những tiêu chí, điều kiện cho những dự án được áp dụng cơ chế. Dự án nào hội đủ các điều kiện, tiêu chí đó thì được áp dụng các quy chế đặc biệt, đặc thù. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án. Đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương.

Trước băn khoăn của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay các dự án đã được đưa vào danh mục trong dự thảo Nghị quyết thí điểm là những dự án đã rõ, đã rà soát và mong Quốc hội thông qua vì đây là những dự án đã đủ điều kiện.

Với những dự án chưa đủ điều kiện, khi nào đủ, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ủng hộ ý kiến đề xuất Quốc hội phân quyền cho Chính phủ trong quyết định dự án được áp dụng cơ chế thí điểm. "Nếu Quốc hội ủy quyền lại cho Chính phủ thì rất tốt. Nếu Quốc hội cho cơ chế mạnh hơn, giao Chính phủ quyết định danh mục trên tiêu chí Quốc hội đưa ra thì sẽ đỡ vất vả cho Quốc hội và giảm thời gian triển khai dự án," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-qh-phai-tham-tra-du-an-moi-yen-tam-bam-nut-thong-qua/906890.vnp