Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Tăng thuế VAT gấp đôi là vô lý với sự phát triển văn hóa

Việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người. Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, nhà sản xuất Trinh Hoan đều cho rằng việc tăng thuế này là không hợp lý.

Nhà sản xuất Trinh Hoan: Tăng thuế VAT lên 10% là không hợp lý

Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các hàng hóa, dịch vụ nói trên bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10%.

Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Tại Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) mới đây, vấn đề này được đưa ra bàn luận.

Nhà sản xuất Trinh Hoan cho rằng đề xuất về việc tăng thuế VAT lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người, đặc biệt các chuyên gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là không hợp lý.

"Mỗi năm chúng ta làm 40 phim, mỗi phim kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, tức phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là 1 năm. Đây là ngành quá nhiều rủi ro. Số tiền thuế 5% hay 10% từ số lượng phim kể trên quá nhỏ, nhưng so với một đoàn làm phim đây là vấn đề quan trọng.

Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ đồng mà vì thuế phải lên 21 tỷ đồng, họ sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa. Dự án phim vì thế cũng bị dừng.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật Thuế VAT nếu không sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao. Nếu các nhà làm luật muốn điện ảnh phát triển đặc biệt là sản phẩm lịch sử, văn hóa phát triển thì phải xem lại việc tăng thuế VAT", nhà sản xuất Trinh Hoan kiến nghị.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Câu chuyện liên quan đến tiền không được làm cản trở sự phát triển văn hóa

Đồng ý với quan điểm của nhà sản xuất Trinh Hoan, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói ông đồng ý mạnh mẽ với việc không tăng thuế, thậm chí mong muốn giảm thuế cho lĩnh vực văn hóa.

"Văn hóa là lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Vì vậy câu chuyện liên quan đến tiền không được làm cản trở sự phát triển của văn hóa", ông Sơn khẳng định.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (bên phải) phát biểu tại sự kiện.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (bên phải) phát biểu tại sự kiện.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, dựa trên căn cứ của các nhà làm luật về chính sách thuế, họ thấy mặt bằng chung về thuế của chúng ta trong thời gian vừa qua rất thấp, đặc biệt là so với thế giới. Với nhiều mặt hàng khuyến khích quan trọng đối với nông dân hay đối với những việc khó khăn khác, đều lên 10%.

So sánh ở trong nước, những đối tượng yếu thế cũng chịu thuế lên 10%. So sánh với thế giới, mức thuế này của chúng ta là quá thấp. Ở các nước có thể lên 15-20%. Chính vì thế, họ cho rằng việc tăng lên 10% là phù hợp với xu thế hiện nay.

"Tuy nhiên, giống như tất cả mọi người ở đây, như tất cả mọi người yêu văn hóa, chúng tôi mong rằng, chúng ta đang trong giai đoạn đặc biệt quan tâm tới văn hóa, chúng ta nên giữ mức thuế là 5%. Cá nhân tôi kêu gọi tất cả mọi người có thêm tiếng nói cùng với những Đại biểu Quốc hội như tôi để có thể giữ lại mức thuế ưu đãi. Bởi điều này có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Bộ Văn hóa đã có ý kiến, báo chí truyền thông đã có ý kiến, nhà sản xuất Trinh Hoan cũng đưa ra ý kiến. Bây giờ có thêm ý kiến của các nghệ sĩ ở đây, đặc biệt là các hiệp hội, chúng tôi có thêm sức nặng trong các ý kiến của mình.

Từ đó cho thấy, việc tăng thuế là vô lý với sự phát triển văn hóa, với sự quan tâm của chúng ta với văn hóa. Chúng ta cần lên tiếng để thấy rằng, tại sao các nhà chính sách liên quan đến thuế muốn tăng thuế, nhưng chúng ta không muốn tăng thuế.

Tôi rất cần sự chung tay của tất cả mọi người để có được môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Môi trường thuận lợi có nhiều yếu tố. Nhưng một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đó là thuế", PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (hiện hành) quy định các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh được hưởng thuế suất thuế VAT 5% (Điểm n, Khoản 2, Điều 8).

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định, các hàng hóa, dịch vụ trong Luật 2008 nêu trên đã bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5% và sẽ chịu mức thuế 10%.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật nêu: Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số) không quy định tại khoản 1 (mức thuế suất 0%) và khoản 2 (mức thuế suất 5%) Điều này.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bui-hoai-son-tang-thue-vat-gap-doi-la-vo-ly-voi-su-phat-trien-van-hoa-19224111013522235.htm