Đại biểu Quốc hội: Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Trong đó, các đại biểu Quốc hội cùng một số chuyên gia nêu quan điểm về việc cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt và đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.
Bảo đảm tính công bằng, dựa trên cơ sở khoa học
Trong số các dự án luật dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một nội dung đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và người tiêu dùng.
Dự thảo đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất ban đầu là 10%, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì, giảm rủi ro bệnh tật không lây nhiễm và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo mới nhất đã chỉnh lý lộ trình áp thuế, với mức 8% từ năm 2027 và 10% từ năm 2028 đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp chung quanh việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều quan điểm cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cần cân nhắc kỹ lưỡng và có thể chưa nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong bối cảnh hiện nay.
Một trong những luận điểm được đề cập đến là cơ sở khoa học và tính hiệu quả của chính sách trong việc đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa thừa cân, béo phì. Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá toàn diện tác động.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.
Ông cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 8 và nhiều diễn đàn khác, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá toàn diện vì ngành cũng đã chia sẻ các nghiên cứu, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân, béo phì và không bảo đảm tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, ông Hòa cũng cho rằng cần đánh giá toàn diện việc áp thuế.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng băn khoăn về nguyên nhân gốc rễ của thừa cân, béo phì, bởi theo nhiều chuyên gia y tế dinh dưỡng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông đặt vấn đề: Nếu đường là nguyên nhân, thì nên chăng cần đánh thuế vào tất cả các sản phẩm chứa đường thay vì chỉ có nước giải khát để bảo đảm tính công bằng.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Đại biểu bày tỏ ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hài hòa, công bằng, với thời điểm áp thuế, thuế suất hợp lý. Theo đó, cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt; cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là cả mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.
Bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng
Bên cạnh những mục tiêu sức khỏe, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng quan tâm đến tác động của việc áp thuế này đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện tại với nhiều thách thức, diễn biến khó lường đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách tác động tới doanh nghiệp và tiêu dùng.
Theo đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn, báo cáo đánh giá tác động cho thấy việc áp thuế suất 10% sẽ làm quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp. Tác động không chỉ giới hạn ở ngành nước giải khát mà còn lan tỏa tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành, gây hệ quả tới toàn nền kinh tế và kéo theo sự sụt giảm về GDP.
Vì vậy, theo nữ đại biểu, việc bổ sung chính sách cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, thích ứng với thay đổi.
GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, việc tăng thuế và mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với nước giải khát có đường có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn hơn và ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu.
Một số chuyên gia cũng lưu ý tác động của chính sách đến người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vùng khó khăn, với nguy cơ chuyển sang sử dụng các sản phẩm có đường khác giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm là có thật.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng sẽ gây khó khăn cho ngành đồ uống trong giai đoạn cần bứt tốc tăng trưởng.
Ông cảnh báo nguy cơ chuyển dịch từ sản phẩm chính thống, bảo đảm chất lượng sang các mặt hàng không chính thống, khó kiểm soát chất lượng trên thị trường, từ đó có thể khiến mục đích bảo vệ sức khỏe không đạt được.
TS Cấn Văn Lực phân tích bối cảnh thế giới tăng trưởng chậm, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao (8% năm 2025, hai con số giai đoạn 2026-2030). Ông nhấn mạnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trong khi sức cầu tiêu dùng yếu, do đó việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ gây ra tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát cũng như các ngành khác trong chuỗi cung ứng.
Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp với vai trò là động lực quan trọng rất mong đợi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, từ đó tạo nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài. Do vậy, ông Lực cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững là chưa phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cũng kiến nghị, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và 2 con số vào giai đoạn tiếp theo, cộng thêm áp lực từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ, để bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi của ngành, chưa nên bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để lấy ý kiến trước ngày 5/5/2025, cơ quan soạn thảo đã có chỉnh lý về lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, cụ thể từ năm 2027, mức thuế suất là 8% và từ năm 2028 là 10%. Dự thảo sau khi được giải trình, chỉnh lý, tiếp thu theo các ý kiến góp ý sẽ được cơ quan thẩm tra báo cáo, trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, sáng 9/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trước khi bấm nút thông qua luật này vào chiều 13/6.