Đại biểu Quốc hội: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải công khai tên doanh nghiệp vi phạm, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây hậu quả nghiêm trọng…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 17/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 17/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 17/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường Diên Hồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cần chuyển từ tư duy tìm kiếm vi phạm sang phòng ngừa

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, và quan trọng hơn là cần chuyển đổi tư duy trong công tác quản lý.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

“Có những sản phẩm trong thời gian qua được dư luận cả nước quan tâm vì chất lượng kém, thậm chí là hàng giả. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ là chỉ tìm kiếm vi phạm, mà cần chuyển sang tư duy phòng ngừa, không thể lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát, bởi vì như thế sẽ dẫn đến những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng” - đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Theo quy định hiện hành, nhiều nhóm sản phẩm bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng được phép tự công bố và không cần phải kiểm nghiệm trước khi lưu hành. Chính sách này được cho là tạo thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế này đang bị một số doanh nghiệp lợi dụng để hợp pháp hóa sản phẩm không đạt chất lượng.

Thực tế, hàng loạt sản phẩm sữa giả, thuốc giả bị phát hiện trong thời gian gần đây không chỉ là một lời cảnh báo mà còn là chỉ dấu rõ ràng về sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc hàng hóa, nhất là khi phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn tự công bố chất lượng sản phẩm.

 Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm mà chỉ kiểm soát trên hồ sơ doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thông tin công bố, không có xác nhận của bên thứ ba. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng “lọt lưới” và đến tay người tiêu dùng.

“Thực tế đã có những vụ việc doanh nghiệp sản xuất thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện” - Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn chứng.

Phải tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử

Trong khi người tiêu dùng mong muốn được bảo vệ, thì nhiều doanh nghiệp lại tìm cách lách luật để tiết kiệm chi phí, rút ngắn quy trình. Hệ quả là nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo an toàn vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt tại các kênh bán hàng trực tuyến...

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về việc quản lý, xác định trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm; hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số, trong khi người tiêu rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số, cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

“Đồng thời, cần triển khai kết nối dữ liệu giữa các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo khả năng giám sát, phát hiện sớm rủi ro và truy xuất trách nhiệm rõ ràng đối với từng sản phẩm lưu hành trực tuyến” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị.

Quan tâm thêm về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu (Điều 34 của dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình với việc quy định các điều kiện bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất bổ sung một nội dung liên quan đến nhãn hàng hóa vì hiện nay, chưa có quy định về kích thước chữ tối thiểu trên nhãn phụ tiếng Việt.

Theo đại biểu, trên thực tế, nhiều sản phẩm nhập khẩu có nhãn phụ với đầy đủ thông tin, nhưng in bằng cỡ chữ rất nhỏ, không thể đọc được bằng mắt thường. Việc này gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi trong việc tiếp cận thông tin cần thiết để sử dụng sản phẩm an toàn.

“Tôi đề nghị cần có quy định về cỡ chữ tối thiểu, độ tương phản màu sắc và bố cục trình bày trên nhãn phụ, đặc biệt đối với các nhóm hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn thực phẩm và mỹ phẩm” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải minh bạch trong công bố chất lượng sản phẩm. Ví dụ như bánh kẹo, hóa chất, nước giải khát… người tiêu dùng khi nhìn vào bao bì sản phẩm là phải thấy thông tin rõ ràng để biết và lựa chọn.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đặc biệt, với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm y học, mỹ phẩm chức năng…, đại biểu đề nghị bắt buộc phải có hồ sơ công bố, kèm tiêu chuẩn riêng, hồ sơ khoa học và kết quả kiểm nghiệm từ đơn vị độc lập.

Đối với những quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu nói quá công dụng, chữa bệnh, giảm cân cấp tốc, thì cần kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý dứt điểm, không để “nhờn luật”.

Theo đại biểu, tình trạng hàng giả, hàng nhái là không mới, nhưng nếu không có biện pháp khắc phục thực chất từ hệ thống pháp luật, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, thì bức xúc xã hội vẫn sẽ còn tiếp diễn. Người tiêu dùng không thể mãi “tự bảo vệ mình” trong một thị trường mà trách nhiệm lại bị đẩy về phía người yếu thế.

Vì thế nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải công khai tên doanh nghiệp vi phạm, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

“Nếu sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu sai thì phải xử lý, phải thông tin rõ ràng đến người dân, vì đó là việc hết sức cần thiết”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/dai-bieu-quoc-hoi-can-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-neu-phat-hien-hang-gia-gay-hau-qua-nghiem-trong-177868.html