Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề 'nóng'

Ngày 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, việc chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các nhóm lĩnh vực: nông nghiệp và PTNT, công thương, tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, văn hóa-thể thao và du lịch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Siu Hương và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội "giám sát lại"

Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan tới 9 lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và PTNT, tư pháp, an ninh trật tự, nội vụ, thanh tra, tòa án, kiểm sát, văn hóa-thể thao và du lịch.

Các báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, 9 lĩnh vực nói trên đều đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thời gian qua. Đối với lĩnh vực công thương, nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước cơ bản bám sát giá thế giới và nguồn cung xăng dầu cơ bản được bảo đảm; đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu. Hệ thống cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới.

Ở lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã cơ bản hoàn thành. Tính đến hết năm 2021, có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020-2025 và kiện toàn tổ chức HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 bước đầu đạt kết quả tích cực.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.D

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.D

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, công tác phòng-chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường. Công tác phòng-chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ cao tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành.

Đối với lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước.

Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ vụ án viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn, tỷ lệ bị can bị truy tố đúng tội danh, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự và tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính được tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”. Điều này thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và công tác đối ngoại. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung triển khai còn chậm, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

Dưới sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Khắc Định, các ĐBQH đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Công an… về các lĩnh vực liên quan đến từng ngành. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chia sẻ những giải pháp để đa dạng các sản phẩm du lịch đêm, góp phần giữ chân du khách trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm; phấn đấu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao.

Đối với chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc tính giá điện bậc thang chưa phù hợp thực tế, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Càng sản xuất điện càng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Do đó, cần nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.

“Ở Việt Nam, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân có 6 bậc. Thực hiện theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung một số nghị định giảm từ 6 bậc trong biểu giá điện xuống còn 5 bậc. Trong đó, bậc đầu tiên là 0-100 kWh, thay vì 0-50 kWh như trước đây”-Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: T.D

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: T.D

Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) về giải pháp để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống người dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khuyến cáo người dân trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều và không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Khi đó, vườn điều sẽ có đa tầng giá trị và có thể có nguồn thu tín chỉ carbon.

Liên quan tới phát triển cây sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cho sản phẩm này thì phải có hiệp hội ngành hàng, liên kết bà con nông dân.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng vừa ký hiệp định thư thứ hai mở cửa sầu riêng đông lạnh, cơm sầu riêng... sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, hiệp định thư thứ nhất cách đây 2 năm đã mở cửa sầu riêng nguyên trái sang thị trường này. Như vậy, gần như toàn bộ ngành hàng sầu riêng của chúng ta đã mở cửa với Trung Quốc. Đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt các vấn đề”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

THIÊN DI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-nhieu-van-de-nong-post290043.html