Đại biểu Quốc hội chỉ ra những hạn chế, bất cập trong đào tạo nghề, thị trường việc làm

Mặc dù lần đầu tiên trong vài năm gần đây, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra, song các đại biểu Quốc hội tiếp tục chỉ ra những hạn chế, bất cập trong đào tạo nghề, thị trường việc làm của nước ta hiện nay.

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, thảo luận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Quan tâm tới vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc,cho biết: năm 2024, tình hình lao động việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực, 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng.

Theo đại biểu Mạnh, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tăng 3,46% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng 2,66%.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong vài năm gần đây tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình hình lao động việc làm năm 2024 vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; chất lượng nguồn lao động còn hạn chế với hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên và chưa có văn bằng chứng chỉ.

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. 9 tháng đầu năm, số lao động phi chính thức là 33 triệu người (chiếm 64,6% tổng số lao động có việc làm). Tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao...

Theo đó, đại biểu Mạnh kiến nghị tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, thảo luận

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho biết: chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 69%, có bằng cấp ước đạt trên 28%. Đại biểu Trân cho rằng, đây là tín hiệu khả quan, song cần nhìn nhận, đánh giá thêm thực tiễn, bởi qua giám sát, quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập. Cụ thể, đại biểu Trân nêu dẫn chứng về việc quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hàng năm trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình.

Theo đại biểu Trân, doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là nhỏ, năng lực hạn chế, tuyển dụng chủ yếu lao động phổ thông, xuất thân từ nông thôn. Việc doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động mới đạt rất thấp, chỉ hơn 36%; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động còn phức tạp nhất là việc bóc tách tiền thuế để hỗ trợ cho đào tạo nghề; mức hỗ trợ cũng không cao.... Vì vậy, theo đại biểu Trân, kết quả cả nước mới có hơn 200 ngàn doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho hơn 100 ngàn người lao động - là con số quá nhỏ so với quy mô toàn bộ các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường

Việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa đảm bảo tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành.

Đại biểu Trân đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, đại biểu Trân đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.

H.Hòa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-nhung-han-che-bat-cap-trong-dao-tao-nghe-thi-truong-viec-lam-20241104094120152.htm