Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm

Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 9/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo cập nhật thông tin bước đầu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ.

Tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm. Đồng thời, nêu nhiều vấn đề thực tiễn để củng cố cơ sở, lập luận về tính khả thi của các chính sách về hỗ trợ việc làm; việc nghiên cứu, rà soát các đối tượng, trong đó có đối tượng là người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, người bị thu hồi đất, người lao động ở khu vực nông thôn, người cao tuổi; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; thông tin thị trường lao động; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho biết, chính sách của Nhà nước về việc làm được đề cập đầy đủ gồm 9 khoản thuộc Điều 5 của dự luật này nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và giải quyết toàn diện vấn đề việc làm cho người lao động Việt Nam. Song, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, khi rà soát các chính sách của Nhà nước giữa Dự thảo Luật Việc làm và Bộ Luật Lao động năm 2019 thì thấy có sự trùng lặp. Đó là phát triển thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Do vậy, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ và có sự điều chỉnh nhằm tránh chồng chéo chính sách.

Liên quan đến chính sách người cao tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng dẫn đối chiếu với nội dung “khuyến khích người sử dụng lao động tuyển và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng” đã được quy định tại khoản 3 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 cho đồng bộ. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi; rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định liên quan.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, hiện nay, những người hoàn thành việc chấp hành hình phạt tù hoặc đã xong cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và quay lại hòa nhập với cộng đồng làm ăn lương thiện do sự kỳ thị của cộng đồng và xã hội. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ đẩy họ quay lại con đường lầm lỗi, cách biệt xã hội. Vì vậy, bà Sửu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định nghiêm cấm kỳ thị đối với những người vừa chấp hành án phạt tù hoặc những người đã xong cai nghiện vào khoản 1 của điều này để đảm bảo tính chặt chẽ và toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, dự thảo luật đã đề cập đến việc đăng ký lao động là cơ sở để xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm nhưng chưa quy định rõ mối liên kết giữa cơ sở dữ liệu đăng ký lao động và cơ sở dữ liệu đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, chưa đề cập đến lộ trình hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu này. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định lộ trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu và quy định thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động… để bảo đảm tính minh bạch, khả thi của dự thảo Luật.

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác…

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-co-ban-thong-nhat-voi-viec-sua-doi-luat-viec-lam-148473.html