Quỹ đầu tư ngoại đang quay trở lại thị trường Việt Nam

Thị trường M&A sẽ chứng kiến sự sôi động nhiều hơn trong thời gian tới, các nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại sau thời gian tìm hiểu thị trường, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngày 27/11, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ” tại TP.HCM.

Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam cho hay, trong 2 năm qua, thị trường M&A có sự sụt giảm. Tuy nhiên, sau sự sụt giảm là những tín hiệu cho thấy thị trường đang quay lại, bên mua ghi nhận sự gia tăng về số lượng, dòng tiền ngoại đang rục rịch trở lại Việt Nam.

“Thị trường sẽ chứng kiến sự sôi động nhiều hơn trong thời gian tới và sẽ có một vài thương vụ sắp được hoàn thành. Trong đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản khá yên tĩnh trong 2 năm qua hiện đang quay trở lại. Đặc biệt, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có doanh nghiệp hay các hoạt động tại Việt Nam đang có lòng tin vào thị trường Việt Nam”, ông Đinh Thế Anh chia sẻ.

Ví dụ, lĩnh vực giáo dục đang thu hút nhiều nhà đầu tư, từ giáo dục mầm non, tiếng anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, cao đẳng, đại học… Có thể thấy, lĩnh vực giáo dục đang có sự mở rộng theo chiều ngang.

"Đây là thị trường được nhận định rất có sức hấp dẫn", ông Đinh Thế Anh bình luận.

Thị trường M&A: Những chuyển động lớn từ bối cảnh vĩ mô và xu hướng dòng vốn quốc tế.

Thị trường M&A: Những chuyển động lớn từ bối cảnh vĩ mô và xu hướng dòng vốn quốc tế.

Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng nhắc đến 2 thách thức lớn cần lưu tâm.

Thứ nhất, khoảng cách định giá giữa bên mua và bên bán hiện còn rất rộng;

Thứ hai là quy trình phê duyệt.

“Chúng tôi phải tham vấn với rất nhiều cơ quan ban ngành và quá trình này mất khá nhiều thời gian, khiến kế hoạch dự định do doanh nghiệp đặt ra trở nên khó đoán định. Ví dụ điển hình như giao dịch với doanh nghiệp Nhật Bản, các quy trình xét duyệt hầu như còn khá chậm. Không chỉ với Nhật Bản, tình trạng này cũng diễn ra với nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác, ảnh hưởng không nhỏ cho cả bên mua và bên bán. Đây là rào cản rất lớn mà Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thế Anh nhận định.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-dau-tu-ngoai-dang-quay-tro-lai-thi-truong-viet-nam-d231121.html