Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên báo đài

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng là hạn chế quyền cung cấp thông tin của họ.

Tham gia thảo luận về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình tại dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định như vậy là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đại biểu cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Về tuyên bố vô hiệu của Tòa án, đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của nhà nước, xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định văn bản vô hiệu được thực hiện theo Bộ Luật Hình sự thực tế đã áp dụng và không có vướng mắc và bất cập.

Tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, không nên bỏ quy định này, vì đây là văn bản luật công chứng, nên tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khác với giao dịch, hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định về lời chứng của công chứng viên, theo đó, quy định hiện tại buộc lời chứng của công chứng viên phải không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đại biểu, cần sửa lại theo đúng quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Dân sự 2015 là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, để đảm bảo thực hiện pháp luật thống nhất, đồng bộ. Với Điều 51, đại biểu đề nghị bổ sung “việc thực hiện tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự".

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) tranh luận

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) tranh luận

Giải trình, làm rõ ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây nhà nước thực hiện thực hiện công việc này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm và cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi.

Trong đó, mô hình của tổ chức hành nghề công chứng năm 2006 có hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.

Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng; chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-bo-quy-dinh-cam-cong-chung-vien-quang-cao-tren-bao-dai-post580754.antd