Đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên 'kỳ họp bất thường'
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên các kỳ họp bất thường thành kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp không thường kỳ để thể hiện tính chất bình thường của các kỳ họp này.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị đổi tên các kỳ họp bất thường của Quốc hội thành kỳ họp chuyên đề
![Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị đổi tên các kỳ họp bất thường của Quốc hội thành kỳ họp chuyên đề](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51462708/947d3af50abbe3e5baaa.jpg)
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị đổi tên các kỳ họp bất thường của Quốc hội thành kỳ họp chuyên đề
Chiều 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Luật này được sửa nhằm phục vụ nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Trước đó, sáng cùng ngày, dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội và được thảo luận tại tổ ngay sau đó, với 66 lượt ý kiến đóng góp.
Nên đổi tên và giảm tần suất họp bất thường
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã tổ chức 9 kỳ họp bất thường với nội dung có tính chất chuyên đề về tổ chức cán bộ, về lập pháp, về giám sát, tổ chức bộ máy...
Qua nghiên cứu, đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Luật Tổ chức quốc hội hiện hành, ngoài 2 kỳ họp thường kỳ trong năm và nếu có ý kiến đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của ít nhất 1/3 đại biểu Quốc hội thì Quốc hội họp bất thường.
Quy định này cũng được thể hiện trong Hiến pháp qua các thời kỳ, với ý nghĩa của họp bất thường là trong tình huống khẩn cấp. Nhưng hiện nay, quá trình phát triển của đất nước có những đòi hỏi cấp bách, đặc biệt trước yêu cầu sắp xếp lại bộ máy hiện nay, sẽ cần nhiều kỳ họp có tính chất như vậy.
Với tinh thần như vậy, đại biểu cho rằng việc sử dụng cụm từ "kỳ họp bất thường" là chưa phù hợp và đề nghị bổ sung khoản 3 vào Điều 90 hoặc thêm vào khoản 2 Điều 90 quy định về các kỳ họp chuyên đề, bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ hàng năm.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao các kỳ họp bất thường thời gian qua đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng "gọi là kỳ họp bất thường nghe hơi căng". Do đó, ông cũng kiến nghị xem xét về tên gọi, có thể quy định là "kỳ họp không thường kỳ".
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho hay, liên quan đến tên gọi của "kỳ họp bất thường" không chỉ các đại biểu Quốc hội mà qua tiếp xúc cử tri cho thấy nhiều cử tri cũng băn khoăn.
![Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51462708/94c92341130ffa51a31e.jpg)
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)
Theo ông Thành, Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
"Như vậy, Hiến pháp quy định ngoài 2 kỳ họp thì Quốc hội họp bất thường, Hiến pháp không quy định tên gọi cụ thể là "kỳ họp bất thường", đại biểu nhấn mạnh.
Do vậy, ông Thành kiến nghị bên cạnh quy định đối với 2 kỳ họp thường lệ thì Quốc hội có thể họp các kỳ họp không thường lệ, thậm chí có thể đánh số thứ tự kỳ họp.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, "cái gì bất thường nhiều cũng thành bình thường. Nếu có thể đổi tên từ "bất thường" thành chuyên đề thì nhẹ nhàng, để mỗi khi họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội trong giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước".
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng tên gọi "kỳ họp bất thường" thể hiện được ý nghĩa của phiên họp, có nghĩa phiên họp đang giải quyết các điểm nghẽn.
![Đại biểu Tạ Văn Hạ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51462708/cfa6772e4760ae3ef771.jpg)
Đại biểu Tạ Văn Hạ
"Hiện nay "điểm nghẽn của điểm nghẽn" là thể chế. Gọi "bất thường" để giải quyết những vấn đề thực sự không thể chờ đến kỳ họp thường kỳ mới làm được và nhắc nhở rằng vấn đề về thể chế còn nhiều điều cần nghiên cứu, chất lượng phải được nâng lên.
Ông Hạ cho rằng không có gì đáng phải suy nghĩ ở từ "kỳ họp bất thường" này. Tuy nhiên, cử tri và đại biểu hi vọng ngày càng giảm bớt kỳ họp bất thường, khi đó hệ thống pháp luật đã cơ bản hoàn thiện.
Quy định rõ hơn về Ủy ban lâm thời của Quốc hội
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, khoản 1 Điều 88 dự thảo Luật quy định Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác hoặc điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này chưa nêu rõ tiêu chí nào để xác định "cần thiết", có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng hoặc khó triển khai trong thực tế. Chưa có quy định về thời gian tối đa hoạt động của Ủy ban lâm thời, dễ dẫn đến kéo dài không cần thiết.
![Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51462708/11fba873983d7163282c.jpg)
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)
Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 88 theo hướng quy định rõ hơn tiêu chí và điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời. Cụ thể, dự thảo Luật cần quy định Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập khi có yêu cầu cấp thiết, phục vụ thẩm tra các dự án luật, nghị quyết có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý hoặc cần điều tra một vấn đề nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền lợi của công dân.
Đồng thời, bổ sung thời hạn hoạt động tối đa của Ủy ban lâm thời theo hướng “Thời gian hoạt động của Ủy ban lâm thời không quá 12 tháng, trừ trường hợp Quốc hội quyết định gia hạn do tính chất phức tạp của vụ việc”.
Đại biểu cũng đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 88 để bổ sung cơ chế phản ứng nhanh theo hướng bổ sung quy định là “Ngoài việc thành lập theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời trong các tình huống cấp bách để điều tra các vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc gia. Quyết định này phải được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất”.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất cân nhắc bổ sung vào Điều 89 quyền hạn của Ủy ban lâm thời: Ủy ban lâm thời có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung điều tra. Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập các cá nhân, tổ chức liên quan để làm việc, yêu cầu giải trình. Khi cần thiết, Ủy ban lâm thời có thể đề xuất Quốc hội tạm đình chỉ công tác của cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm hợp tác với Ủy ban lâm thời. Việc từ chối cung cấp thông tin hoặc không hợp tác phải được báo cáo Quốc hội và có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật.
Thay mặt Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về nội dung tên gọi kỳ họp bất thường, theo ông Tùng, nếu dự thảo luật quy định về kỳ họp không thường kỳ hay kỳ họp chuyên đề thì không vướng quy định của Hiến pháp hiện nay.
Ông Tùng cho biết ban soạn thảo ghi nhận các ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu làm rõ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51462708/82f039780936e068b927.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết và nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, góp ý nhiều nội dung hoàn thiện dự thảo luật trên tinh thần đổi mới, đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra của thực tiễn.
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ 76 ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường để hoàn thiện dự thảo luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.