Đại biểu Quốc hội đề nghị giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản

Đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản như Luật Khoáng sản hiện hành.

Bảo đảm minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 nêu rõ, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), có ý kiến đề nghị giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các quy hoạch khoáng sản tương tự như Luật Khoáng sản hiện hành.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 2 phương án như sau: Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội); phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành). Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án 2.

Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là đã mở rộng đối tượng điều chỉnh quy hoạch so với quy định của Luật Quy hoạch; đề nghị làm rõ tiêu chí điều chỉnh quy hoạch là “vì lợi ích quốc gia, công cộng”; cân nhắc cho phép bổ sung quy định điều chỉnh hằng năm với các quy hoạch khoáng sản cho phù hợp thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 16 theo 2 phương ánnhư sau: Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch; phương án 2: Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án 2.

Đề cập về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhất trí với phương án giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản như luật hiện hành. Nêu lý do, đại biểu cho rằng:

Một là, quy định như hiện hành đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết chặt chẽ hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản và có sự phân công tách biệt giữa khoáng sản nhóm I, nhóm II sẽ đảm bảo hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản, như Phương án chỉ giao cho một Bộ).

Hai là, quy định này cũng đảm bảo được sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã duy trì tính ổn định trong việc phân công trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ, địa phương.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, vấn đề ở đây là việc phối hợp giữa các Bộ liên quan trong việc lập quy hoạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và có những quy định rõ hơn để việc phối hợp được hiệu quả.

Ba là, bảo đảm gắn kết giữa công tác lập quy hoạch với việc tổng hợp thông tin, số liệu, đánh giá và xác định nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản.

Xem xét lại một số quy định về khu vực cấm hoạt động khoáng sản

Đóng góp ý kiến vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - đề nghị bỏ khoản 5, Điều 29 trong dự án Luật Địa chất và Khoáng sản quy định về “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan”.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Lý do là,tại Khoản 1, Khoản 2 tại Điều 29 trong Dự án Luật Địa chất và khoáng sản quy định: Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã quy định cụ thể các yếu tố để khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, hiện nay trong quy hoạch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đều có xác định cụ thể hiện trạng, quy hoạch khu vực đất đã xác định rõ khu vực đất cấm hoạt động khoáng sản).

Đồng thời, khi triển khai các hoạt động khoáng sản, các cơ quan chức năng đều tiến hành rà soát các tiêu chí cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản theo các tiêu chí, yếu tố quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 29 Dự thảo Luật.

Mặt khác,trong Quy hoạch các tỉnh thành (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đều đã có lớp dữ liệu khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Việc lại tiếp tục khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại nội dung trên là không cần thiết và nếu trường hợp có sai khác thì quyết định khoanh định vùng cấm, tạm cấm khoáng sản lại điều chỉnh quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp tỉnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Sùng A Lềnh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung, chỉnh sửa điểm b, khoản 2 Điều 29 của dự án Luật thành: “Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản; di sản, di tích thuộc Danh mục kiểm kê đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Đại biểu Sùng A Lềnh đưa ra lý do của đề nghị trên vì theo các quy định về di sản, di tích thuộc Danh mục kiểm kê đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được Nhà nước xem xét ưu tiên bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, là cơ sở để xây dựng hồ sơ khoa học di tích đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, các ĐBQH đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan liên quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Các ĐBQH phát biểu đều nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết cần được nghiên cứu kỹ hơn để tiếp thu và giải trình thuyết phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các ĐBQH; đồng thời gửi đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH thảo luận và ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giao-bo-cong-thuong-bo-xay-dung-lap-quy-hoach-khoang-san-342202.html