Đại biểu Quốc hội đề nghị khắc phục thực trạng lãng phí trách nhiệm

Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu hàng loạt vướng mắc dẫn đến tình trạng 'lãng phí trách nhiệm', chuyện thật như đùa vẫn diễn ra ở nhiều nơi khi Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đau đầu nghĩ cách dùng ngân sách hiệu quả mà không vi phạm

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) dành trọn bài phát biểu của mình để nói về “lãng phí trách nhiệm".
Ông dẫn lại câu chuyện nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị trong bệnh viện công. Hay chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm.

Tình trạng này đang gây trì trệ trong bộ máy quản lý hành chính, gây nhiều lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

ĐB Trần Hữu Hậu

ĐB Trần Hữu Hậu

Đại biểu tỉnh Tây Ninh cho rằng, những người bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh; thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là không hoàn toàn sai.

Tuy nhiên, ông cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ không được phát huy, điều này gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm hết được cho xã hội, cho đất nước.

“Rất nhiều địa phương đang đau đầu trong việc sử dụng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu bức thiết của cử tri, của người dân mà không vi phạm các quy định”, ông Hậu nêu thực tế.

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, nhiều công việc cần thiết, nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đáp ứng mong mỏi của cử tri nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức thời gian; không tương xứng với số vốn cần sử dụng cho công việc.

Điều này dẫn đến tình trạng, khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm, bị xuất toán. Để hạn chế việc này, nhiều trường hợp phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra "1 cái tên của dự án" sao cho phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán.

“Đó là một trong những việc không ai muốn làm nhưng không ít những người có trách nhiệm với dân, với công việc đang phải làm. Đáng tiếc, đó là chuyện thật như đùa đang diễn ra ở nhiều nơi trong mỗi kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm”, đại biểu trăn trở.

Ông cho biết, Bộ Tài chính đã soạn thảo tờ trình rất công phu về nội dung này nhằm khắc phục những bất cập khi chưa sửa được Luật Đầu tư công.

“Nếu nghị quyết về việc khắc phục những bất cập này được ban hành sẽ là sự tháo gỡ lớn cho hàng trăm quận huyện của 63 tỉnh thành và nhiều bộ ngành. Để cho không ít cán bộ có tinh thần trách nhiệm được đặt trách nhiệm của mình đúng chỗ và phát huy nó làm lợi cho dân cho nước”, ông nhấn mạnh và cho biếu gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì vì lý do “vẫn chưa xong được”.

Đại biểu cho rằng, tinh thần trách nhiệm đáng trân trọng của Bộ Tài chính đang bị lãng phí. Quốc hội không thông qua nghị quyết về vấn đề này thì những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám làm chuyện cần làm.

“Tức là trách nhiệm của họ bị thất thoát”, đại biểu tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Đồng thời, có thể có không ít cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan, đơn vị do lấy hiệu quả làm mục tiêu; lấy việc làm tròn trách nhiệm với dân, với địa phương, đơn vị làm trọng mà tìm cách “lách” để làm và sẽ phải giải trình với cơ quan kiểm toán, thanh tra.

“Cũng có thể sẽ có những cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị kiểm điểm, nhắc nhở thậm chí xem xét kỷ luật…. Và, không ít trong số những người bị kiểm điểm, nhắc nhở, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm sẽ bị giảm sút, lung lay, thậm chí không còn”, ông Hậu cảnh báo.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm xem xét thông qua đề xuất của Bộ Tài chính, nhanh chóng trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Qua đó góp phần cho trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến các địa phương không bị thất thoát lãng phí.

Ông cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo quy luật này, loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.

Tiết kiệm là đúng nhưng quá mức chưa hẳn hiệu quả

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu hàng loạt bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Có nơi xây dựng trụ sở rất to, hoành tráng, diện tích đất rộng, nhưng công năng cho công vụ lại hạn chế sử dụng”, đại biểu nêu thực tế.

ĐB Phạm Văn Hòa

ĐB Phạm Văn Hòa

Theo đại biểu tỉnh Đồng tháp, tiết kiệm chi trên các lĩnh vực, kể cả khu vực công và tư. Tiết kiệm để tích lũy cho đầu tư phát phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài, đời sống mỗi ngày một sung túc, trí não phát triển, tăng năng suất lao động, “chứ không phải tiết kiệm là giảm chi tiêu những thứ cần, ngại mua sắm, chi nhỏ giọt”.

Ông dẫn chứng việc không được mua ô tô mới mà phải sử dụng lại ô tô cũ chưa hết niên hạn sử dụng, nhưng lại được chi sửa chữa hằng năm với số tiền không nhỏ.

“Tôi muốn đề xuất với Chính phủ đáng chi là phải chi, chi mang lại hiệu quả để kích thích lao động sản xuất, chi để tái năng suất như chi tăng lương cho công chức, viên chức…

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không vì thế mà chi không đảm bảo quy định, chi chưa hết năm đã hết tiền. “Tiết kiệm là đúng nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn là hiệu quả”, đại biểu đúc kết.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nêu thực tế sau khi sắp xếp, sáp nhập huyện, xã, một số địa phương vẫn duy trì 2-3 trụ sở làm việc như trước. Một số địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở làm việc thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức mới tăng lên.

Đáng chú ý là vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không chưa được đưa vào sử dụng. Địa phương không có kinh phí để bảo trì sửa chữa, dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Việc thu hồi, điều chuyển trụ sở làm việc dôi dư đã có chuyển biến tích cực, song một số bộ ngành địa phương chậm thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư. Một số cơ quan ngành dọc ở địa phương, sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, là đất vàng ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.

Từ đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành địa phương tích cực rà soát danh sách trụ sở cơ quan, tổ chức đã sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay chưa bố trí, sắp xếp sử dụng hoặc thanh lý. Việc tích cực chủ động sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có phương án xử lý dứt điểm.

Đồng thời Chính phủ cần chỉ đạo bộ ngành có trụ sở dôi dư ở địa phương khẩn trương có phương án thu hồi, điều chuyển, bàn giao cho địa phương để đưa các trụ sở nhà đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực; kiên quyết xử lý tổ chức cá nhân chây ì không thực hiện…

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-khac-phuc-thuc-trang-lang-phi-trach-nhiem-2075608.html