Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị lớn

Đó là một trong những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ chiều 7-5 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Xây dựng bộ máy cấp xã hoạt động chuyên nghiệp

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ Hà Nội chiều 7-5. Ảnh: Như Ý

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ Hà Nội chiều 7-5. Ảnh: Như Ý

Thảo luận tại Tổ Hà Nội về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đại biểu Bùi Huyền Mai (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân) bày tỏ sự nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.

Liên quan đến việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, được quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật, đại biểu đồng tình với các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền đã từng bước thể chế hóa tốt các chủ trương của Đảng. Trong bối cảnh không còn cấp huyện, việc chuyển toàn bộ thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã là cần thiết...

Tại Điều 39 của dự thảo Luật quy định về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã cho phép thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Về việc này, đại biểu Bùi Huyền Mai đồng tình ủng hộ, bởi uy định này phù hợp với việc chuyển thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã.

Đại biểu Bùi Huyền Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Bùi Huyền Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: Như Ý

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để linh hoạt tổ chức các cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc thù quản lý đô thị. Ví dụ với quy mô dân số của một số phường tại Hà Nội lên đến 100.000 dân, việc tổ chức cơ quan chuyên môn là rất cần thiết.

“Đồng thời, cần trao thêm thẩm quyền cho cấp tỉnh, cụ thể là UBND thành phố để chủ động bố trí đội ngũ cán bộ, công chức dựa trên khối lượng công việc và quy mô dân số, ngoài quy định hiện hành về số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã”, đại biểu Bùi Huyền Mai kiến nghị.

Thảo luận về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, thuyết minh cụ thể hơn về lý do, cơ sở của việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã như trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu, việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cần bảo đảm tương quan giữa các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và không thực hiện sắp xếp. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: P.Thắng

“Đề nghị nên căn cứ vào số dân để đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và đảm bảo sự công bằng”, đại biểu Tạ Thị Yên kiến nghị.

Quan tâm đến cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã (Điều 39) của dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định chặt chẽ trong thành lập cơ quan chuyên môn cấp xã, tiêu chuẩn thành lập phòng, số lượng lãnh đạo các phòng, số biên chế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, chủ trương cho phép UBND cấp xã tổ chức 4 phòng chuyên môn và tương đương nếu không quy định chặt chẽ thì không phù hợp với định hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian trong thực thi công vụ.

Đánh giá lương công chức hằng năm để điều chỉnh kịp thời

Thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Tại Đình Thi (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến vị trí việc làm và ngạch công chức tại Mục 3, Chương 4. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu thảo luận. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu thảo luận. Ảnh: Như Ý

Theo đại biểu, Luật hiện hành đã quy định về vị trí việc làm nhưng thực tế triển khai còn lúng túng. Dự thảo Luật tiếp tục quy định vị trí việc làm gồm ngạch công chức, nhưng chưa rõ cơ chế quản lý kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vì thế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mối quan hệ này để tránh chồng chéo và đảm bảo tính khả thi.

Về đánh giá cán bộ, công chức tại Điều 19, đại biểu kiến nghị cần có quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá dựa trên chỉ số hiệu quả công việc (KPI) và lấy ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Theo đại biểu, cơ chế này sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và là tiền đề cho các khâu khác trong công tác cán bộ như bổ nhiệm, khen thưởng hoặc kỷ luật.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện các quy định để đảm bảo quyền lợi và động lực cho cán bộ, công chức với chính sách lương, thưởng công bằng gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc. Tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản và Singapore, chúng ta cần đánh giá lương công chức hằng năm để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo cạnh tranh với khu vực tư nhân, từ đó tạo động lực cho cán bộ, công chức”, đại biểu kiến nghị.

Liên quan đến chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ tại Điều 5, quy định hiện nay giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng đại biểu lo ngại nếu không quy định cụ thể trong Luật, các chính sách ưu đãi sẽ thiếu tính khả thi, đặc biệt khi có sự chồng chéo với các luật khác.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận. Ảnh: P.Thắng

Thảo luận tại tổ Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta. Trong đó xác lập rất rõ vị trí việc làm, vì đây là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, trung tâm, cốt lõi cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.

Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật để phân định thứ bậc cho công vụ của nước ta, nếu bỏ đi sẽ rất khó phân định. “Chúng ta vẫn giữ ngạch này để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức đi sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Bởi nếu cứ vào được biên chế, ngồi chắc vị trí là không có chuyện ra khỏi biên chế. Vì vậy phải thiết kế làm sao cho có vào có ra, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời.

Muốn như vậy phải thực hiện 2 công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Đây là một xu hướng chung trên thế giới, đã được giải trình thỏa đáng với Chính phủ. “Tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung", Bộ trưởng thông tin.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-mo-rong-tham-quyen-cho-ubnd-cac-do-thi-lon-701509.html