Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thời hạn chuyển đổi đất quốc phòng
Đánh giá dự thảo luật đã được hoàn thiện hơn nhưng các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh quy định thời hạn chuyển đổi đất quốc phòng, về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng.
Chiều nay, 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đánh giá dự thảo luật đã được hoàn thiện hơn so với kỳ họp trước, nhưng các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh việc cần giải thích từ ngữ, về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng, quy định về quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng…
10 năm vẫn chưa chuyển đổi xong
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn Đại biểu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết trong thời gian qua, một số khu quân sự sau khi không còn sử dụng cho mục đích quân sự đã được trả về địa phương nhưng việc bàn giao rất chậm. Có khu vực hơn 10 năm vẫn chưa bàn giao xong, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất sang mục đích quốc phòng để xây dựng các công trình quân sự cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Vì vậy, tại Điều 12 về Chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định tiết thời gian hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất,” đại biểu Hùng nêu ý kiến.
Cũng quan tâm đến Điều 12 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề liên quan đến quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 3 của điều này.
Cụ thể, tại mục b, khoản 3 quy định: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, công trình và khu quân sự quốc phòng có tính chất quan trọng nên thẩm quyền quyết định phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. “Tôi đề nghị không phân cấp chuyển quyền sử dụng mục đích sử dụng công trình quân sự và quốc phòng như dự thảo,” đại biểu Trần Văn Tiến nói.
Cũng liên quan đế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan trình nghiên cứu Điều 12 dự thảo luật quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Theo đại biểu Hằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến thông qua, vì vậy cần nghiên cứu quy định nội dung này đảm bảo đồng bộ với các quy định liên quan.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng cho rằng cần quan tâm đến vấn quyền hạn của địa phương trong dự thảo Luật như vấn đề bồi thường, tái định cư, vấn đề kinh phí.
Cân nhắc về phạm vi không gian công trình quân sự
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho hay Điều 17 khoản 1 điểm c về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật quy định phạm vi không gian công trình khu quân sự lên trên không không quá 5.000 mét.
Ông Tám cho rằng quân sự có những công trình đặc biệt nên phạm vi 5.000 mét sẽ không đảm bảo được các yêu cầu bí mật quốc phòng. Theo đó, ông Tám đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng nói đến chiều cao không gian là liên quan đến không phận được quy định trong Luật Biên giới quốc gia. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Biên giới quốc gia đồng thời rà soát đến các công ước quốc tế về không phận, không gian.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết theo thông lệ quốc tế hiện nay, chiều cao không gian mà các quốc gia sử dụng đối với máy bay dân dụng tính từ mặt biển lên đến không trung là từ 10 đến 12km; đối với máy bay quân sự thì đến 21km. Tuy nhiên, Liên đoàn Hiệp hội hàng không quốc tế cho rằng biên giới không gian của các quốc gia có thể tối đa đến 100 km, bởi trên 100 km là thuộc về không gian vũ trụ và phần lớn các nước thế giới dùng vào nghiên cứu vũ trụ.
Đại biểu cho rằng trong tương lai, khoa học quân sự của nước ta phát triển thì chúng ta sẽ có những trạm công trình quân sự trên không. Khi đó, nếu như giới hạn như dự thảo hiện nay thì sẽ vướng cơ sở pháp lý. Vì vậy, theo đại biểu Lê Thanh Vân, khi ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thì cần phải cập nhật và nghiên cứu kỹ để không phải sửa luật khi có công trình trạm quân sự trên không.
Tranh luận tại nghị trường, đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đồng tình việc phạm vi khu vực trên không của công trình quốc phòng và khu quân sự là khu vực cần được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt và việc xác định phạm vi khu vực cấm là hết sức quan trọng, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng quy định cần phải bảo đảm cả những yêu cầu khác về phát triển kinh tế- xã hội. Ông Thành nêu ví dụ việc nếu quy định phạm vi không gian cấm quá cao sẽ ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại. Theo đó, ông Thành cho rằng nội dung của dự thảo Luật quy định phạm vi cấm 5.000 m là hợp lý và không vi phạm đến chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh các vấn đề trên, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như cần rà soát để tránh chồng chéo với các luật khác; cần giải thích từ ngữ cụ thể hơn...
Ghi nhận góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Theo Bộ trưởng, quy định về phạm vi không gian được nghiên cứu kỹ, có tính toán đến các yếu tố đảm bảo an toàn của khu quân sự như khả năng sát thương, tầm bắn hiệu quả của một số loại vũ khí cá nhân, các loại trinh sát thông thường. Do đó, quy định có cơ sở và phù hợp.
Về vấn đề giải thích từ ngữ chuyên môn, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay nếu giải thích kỹ lưỡng và chi tiết mọi khái niệm thì Chương 2 sẽ có dung lượng rất lớn, bao hàm nhiều nội dung.
Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh./.