Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường giải pháp ngăn chặn việc thông đồng, câu kết trong thẩm định giá
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương nêu vấn đề, vẫn còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định giá.
Siết chặt các cửa khẩu để quản lý vàng, ngoại tệ nhập lậu
Ngày 18/3, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về giải pháp giảm giá vàng và USD, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ: Thời gian qua, có nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?”, nữ Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Đăng đàn trả lời nội dung về giá vàng, ngoại tệ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, nghĩa là quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao, thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý vàng, ngoại tệ nhập lậu. Thời gian qua, đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD, hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng, hoặc vụ 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. “Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Về giải pháp để giá vàng, USD “hạ nhiệt”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, cần triển khai một loạt biện pháp. Đơn cử như vàng liên quan đến cung-cầu, xuất nhập khẩu; vậy thì có nhập khẩu vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào? Hay việc có sự lợi dụng tâm lý đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả, gửi ngân hàng thì lãi suất thấp, vậy nên đầu vào vàng?...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ, cần một loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng giá. Còn vấn đề đồng tiền làm thế nào để tỉ giá trước đồng USD không mất giá- sẽ là vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời bổ sung.
Ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống
Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ quan tâm về giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định giá. “Thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá… Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp như nào nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá? Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân trước tình trạng sống tiêu cực, lợi ích nhóm đối với lĩnh vực giá?”, nữ Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương, trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng các bộ, ngành tiếp tục có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu như là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp... không để xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết biện pháp của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề trên? Đồng thời, Đại biểu cũng gửi nội dung này tới Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, tại Luật Giá năm 2023 đã khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới ngằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá...
Về giải pháp đối với giá thiết yếu, Bộ trưởng Bộ Tài Chính nêu rõ, năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ có 3,25% nhưng nửa đầu quý I năm 2024 tăng lên đột biến, vì vậy việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Trong nhóm CPI có trên 700 hàng hóa, cần có giải pháp, trong đó can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Bộ sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông. Tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo hàng hóa dồi dào.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lấy ví dụ về giá xăng dầu, đã phối hợp với Bộ Công Thương đa dạng nguồn cung xăng dầu và có giải pháp giảm chi phí định mức. Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp cũng hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.