Đại biểu Quốc hội đề xuất chiến lược 'hồi hương cổ vật'

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) đề nghị Chính phủ cần có chiến lược 'hồi hương cổ vật'.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Đại biểu nhất trí với việc đưa khái niệm “di sản tư liệu” vào dự thảo Luật và ủng hộ việc tách “di sản tư liệu” thành một loại hình di sản mới, đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở Việt Nam hiện nay, đồng thời mở ra hướng phát triển trong tương lai, phù hợp với các chương trình của UNESCO. Qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp, sự cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản Việt Nam với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Thứ hai, về quyền sở hữu và các quyền liên quan đến di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động của bảo tàng và di sản tư liệu. Theo đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong dự thảo Luật lần này quy định Nhà nước bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa, của người đại diện.

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Ban soạn thảo cần có các quy định cụ thể cho các trường hợp di sản văn hóa tôn giáo, di tích văn hóa là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo do các tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý, sử dụng và là đại diện cho chủ sở hữu nhằm giải quyết các bất cập chồng chéo lâu nay trong công tác quản lý di tích giữa các tổ chức tôn giáo và các ban quản lý di tích.

Thứ ba, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO.

Theo đại biểu, việc đăng ký di vật, cổ vật được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật này, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Theo đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, quy định này rất cần thiết, qua đó dễ dàng quản lý, nhận diện, hình thành bộ dữ liệu di sản, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật.

Tuy nhiên, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký.

Đặc biệt, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-chien-luoc-hoi-huong-co-vat-post580886.antd