Đại biểu Quốc hội đề xuất tạm dừng thanh tra nếu phát hiện chồng chéo
Góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung cơ chế tạm dừng thanh tra nếu phát hiện chồng chéo để không gây phiền hà.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đề nghị làm rõ mục tiêu của thanh tra
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vào sáng ngày 22/5, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị làm rõ hơn mục tiêu của thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh: VPQH
Theo ông Nguyễn Tạo, thanh tra không chỉ dừng lại ở việc phát hiện sai phạm mà cần bao gồm cả việc “tăng cường niềm tin xã hội, củng cố pháp chế, thúc đẩy cải cách hành chính”, phù hợp định hướng trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các nguyên tắc quan trọng gồm: Bảo mật thông tin trong hoạt động thanh tra; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra; tránh trùng lặp nội dung thanh tra, tăng cường chia sẻ thông tin với Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý khác; bổ sung cơ chế điều phối, tạm dừng thanh tra nếu phát hiện chồng chéo, giao cơ quan cấp trên điều chỉnh kế hoạch để không gây phiền hà.
Về hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hành vi “cố ý không thanh tra”, cần cơ chế giám sát nội bộ, quy định trách nhiệm báo cáo khi không ban hành quyết định thanh tra dù có dấu hiệu vi phạm; quy định cụ thể hành vi “sách nhiễu, gây khó khăn”.
Đồng thời, đề nghị bổ sung cơ chế tiếp nhận, xử lý tố cáo của đối tượng thanh tra qua hệ thống số hóa bảo mật.
Quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra, phòng ngừa can thiệp, mua chuộc, đe dọa; bảo mật thông tin cá nhân và hỗ trợ pháp lý khi bị đe dọa.
Làm rõ hành vi che giấu, sửa đổi, tiêu hủy tài liệu, viết lại khoản 6 cho đầy đủ và chặt chẽ hơn.
Đồng thời ông kiến nghị “làm rõ tỷ lệ phần trăm được trích lại từ các khoản thu qua thanh tra sau khi nộp ngân sách, tránh mỗi địa phương áp dụng một mức khác nhau gây thiếu thống nhất”
Làm sao để hoạt động thanh tra đạt hiệu quả?
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm, song đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ủy ban kiểm tra các cấp. Vậy cần quy định rõ, với cùng một vụ việc cơ quan nào tiến hành trước, cơ quan nào tiến hành sau, tránh chồng chéo.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn Thanh Hóa. Ảnh: VPQH
Về thời hạn thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần cân nhắc kỹ, nên quy định theo luật 2022, không nên kéo dài thời gian cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan doanh nghiệp. Nên xác minh càng nhanh càng tốt không nên kéo dài.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dự thảo quy định về thanh tra 2 cấp là Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh, đặt ra khó khăn với thanh tra chuyên ngành. Luật đã quy định về kiểm tra chuyên ngành, khi xây dựng nghị định, thông tư cần hướng dẫn cụ thể.
“Liệu dự thảo Luật có quá tập trung xây dựng luật để phòng chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra mà không chú trọng vào giải pháp làm thế nào để thanh tra hoạt động hiệu quả hơn hay không” - đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VPQH
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, thanh tra theo kế hoạch thì hầu như không hiệu quả vì chuẩn bị từ đầu năm, trước khi đi phải thông báo rầm rộ, không có yếu tố bất ngờ nên lực lượng thanh tra đi đến đâu hàng hóa bị giấu hết, khó bắt quả tang như với sữa giả, thực phẩm chức năng giả.
Tuy vậy, với thanh tra đột xuất lại phải tuân thủ khá nhiều quy định như sau khi thanh tra phải có giải trình với cấp trên tại sao lại thanh tra.
Một số trường hợp sau khi có kết luận Thanh tra nhưng không tuân thủ không nộp phạt, bỏ công ty cũ, mở công ty mới. Thanh tra hiện nay không hiệu quả, vậy quy định như dự thảo Luật mới có hiệu quả hơn hay không? - đại biểu đặt câu hỏi.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.