Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô diện tích và dân số

Sáng 14/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất nâng mức hỗ trợ cán bộ không chuyên trách dôi dư; tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô diện tích và dân số.

Thảo luận trên hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn tỉnh Vĩnh Long) thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền tại Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Cụ thể nhiệm vụ của cấp xã mới hiện nay có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ. Song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp; quy định việc giám sát của người dân các tổ chức và giữa các cấp.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 14/5 tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 14/5 tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng cho biết, trong thời gian qua, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn thấp.

Để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, đại biểu đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định; hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn tỉnh Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn tỉnh Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, theo đại biểu, cần bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động chuyên trách không thôi việc. Vì theo kế hoạch sau sắp xếp biên chế cấp tỉnh sẽ giảm 18.499 người, ngoài ra hơn 120.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên toàn quốc sẽ chấm dứt nhiệm vụ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn tỉnh Cà Mau) cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã. Vì sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm cây số, với hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí khi di chuyển. Việc phân cấp này là hết sức cần thiết. Theo đại biểu, bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã, cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. Ví dụ trên cùng tuyến đường nhưng cùng thuộc quản lý của 2 phường xã, thậm chí là nhiều hơn, việc đầu tư là của UBND tỉnh, nhưng những nội dung như cây xanh, vỉa hè thì cần có sự thống nhất, mà ở đó UBND tỉnh không cần tham gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn tỉnh Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn tỉnh Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân. Cùng với đó tăng cường số lượng cán bộ công chức, cấp xã phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn và theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, gắn với xây dựng đội ngũ công chức có năng lực và tận tụy với Nhân dân.

Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, quy hoạch đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp và Nhân dân ở địa phương.

“Không có sự thay đổi nào không khỏi trăn trở; biết rằng sẽ gặp khó khăn, nhưng vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn, tôi tin tưởng rằng nước ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phồn vinh của dân tộc” - đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.

Cũng liên quan đến số lượng cơ cấu tổ chức, cán bộ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với cơ cấu hoạt động, tổ chức HĐND và UBND, tuy nhiên đại biểu đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích. Bởi sau sắp xếp, nhiệm vụ chỉ đạo điều hành rất lớn, nên việc tăng thêm số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh là cần thiết.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-tang-so-luong-can-bo-cong-chuc-cap-xa-theo-quy-mo-dien-tich-va-dan-so.703345.html