Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thêm lực lượng để xử lý 'tội phạm mạng'

Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất tăng thêm lực lượng, cả về phương tiện và con người để xử lý 'tội phạm mạng'.

Các đối tượng tội phạm lừa đảo qua mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phục của người dân. Bên hành lang Quốc hội, các Đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, nhất là trong dịp cuối năm.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân bị "sập bẫy" bọn lừa đảo qua mạng. Trong đó có nguyên nhân do nạn nhân thiếu hiểu biết, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, trong khi tội phạm lừa đảo qua mạng lại rất chuyên nghiệp, tinh vi. Các đối tượng cũng đánh vào lòng tham của người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế có rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng diễn ra hàng ngày, nhưng thiệt hại số tiền nhỏ nên ít người trình báo cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến: "Tội phạm lừa đảo qua mạng thường thao tác rất nhanh, có khi chỉ vài giây thôi là đã xong một vụ lừa đảo rồi. Nếu như các khâu từ trình báo, tiếp nhận và xử lý tố giác quá lâu, thì chúng ta không thể tìm ra được thủ phạm. Đó là hạn chế mà chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần có cơ chế để giải quyết, ví dụ thành lập một bộ phận chuyên xử lý loại tội phạm này."

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Thanh Hóa cho rằng, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao liên tục lừa đảo công nhân lao động và người yếu thế, các cấp công đoàn và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức mới cho công nhân lao động, để họ tự bảo vệ mình, nhất là khi Tết đến, xuân về.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh: "Tội phạm công nghệ cao có rất nhiều chiêu trò để tiếp cận, lừa đảo người lao động nhất là trong dịp chuẩn bị Tết nên có nhiều việc cần quan tâm. Cùng với việc chăm lo tốt cho người lao động, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động tránh bị lừa qua mạng. Còn về căn cơ thì tôi cho rằng phải ngăn chặn từ gốc, từ việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và truyền thông để làm sao không chỉ công nhân lao động mà người dân không bị mắc vào những vụ lừa đảo này."

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao là việc khó khăn, phức tạp, cần có biện pháp phù hợp trong từng thời điểm, nhưng cũng cần có chiến lược lâu dài. Vấn đề đặt ra cấp bách là phải thống nhất được nhận thức và hành động trong mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với người dân, cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Về phía các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao tính bảo mật, bảo vệ người dân. Khi phát hiện đối tượng lừa đảo, cần truy bắt đến cùng và kịp thời đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.

Đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định: "Tôi cho rằng vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai được, vì cũng giống như công nghệ, luôn biến chuyển, thì tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng biến đổi liên tục, nên cần có ứng xử phù hợp. Chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, trong đó tôi đề xuất tăng thêm lực lượng, cả về phương tiện và con người, tăng cường kỷ luật của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ này. Việc tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin phải kịp thời, phát hiện và xử lý sớm."

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-tang-them-luc-luong-de-xu-ly-toi-pham-mang-post1138510.vov